Tại lễ phát động dự án, Tiến sĩ Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản và là chuyên gia môi trường của Liên Hợp quốc cho biết, công nghệ Nano – Bioreactor của Nhật Bản đã được áp dụng để xử lý nước cho nhiều dòng sông, hồ bị ô nhiễm trên thế giới.
“Công nghệ này có thể xử lý ô nhiễm tại sông Tô Lịch mà không cần nạo vét cơ học. Chỉ ba ngày mùi hôi thối của đoạn sông Tô Lịch được xử lý thí điểm sẽ giảm đáng kế và sau hai tháng các chất thải và bùn đen tại đáy sông sẽ bị phân hủy mà không cần phải nạo vét”.
Chuyên gia của Nhật Bản giúp Hà Nội thí điểm xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch sáng nay 16-5.
Theo phía Nhật Bản, công nghệ xử lý ô nhiễm Nano –Bioreactor hoạt động trên cơ chế tạo ra oxy từ nước, vật liệu thiên nhiên bio… giúp kích hoạt các vi sinh vật. Sau đó các vi sinh vật này tạo ra enzim điện ly lực phân tử nước, giải phóng oxy trong nước. Đặc biệt công nghệ có ưu điểm tạo nồng độ oxy hoà tan cao trong nước, hạn chế tái ô nhiễm và tiết kiệm chi phí.
Công nghệ Nano –Bioreactor của Nhật đã từng áp dụng thành công tại một số hồ của Hải Phòng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường của Việt Nam, để xử lý dứt điểm ô nhiễm sông Tô Lịch cần phải chặn triệt để nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp… vẫn đổ vào sông mỗi ngày.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trung bình mỗi ngày sông Tô Lịch tiếp nhận khảng 150.000 m3 nước thải chưa qua xử lý và một lượng lớn nước thải sản từ sản xuất công nghiệp tại khu vực Vĩnh Tuy, Mai Động, Văn Điển. Từ năm 2003 đến nay, Hà Nội liên tục có các dự án cải tạo, làm sạch nước sông Tô Lịch nhưng hiệu quả chưa cao. Hiện nay hệ thống thu gom nước thải dọc sông đang hoàn thiện để chờ nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động. |