'Sông Tô Lịch không cải tạo, tác hại rất kinh khủng'

Ô nhiễm sông Tô Lịch khiến TP Hà Nội mỗi năm đều rót nhiều tiền để nạo vét lòng sông nhưng không giải quyết được tận gốc vấn đề ô nhiễm. (Ảnh: Internet)

“Tôi rất đồng ý với ý kiến về đầu tư cho Hà Nội, trong đó tôi hết sức mong muốn đầu tư, cải tạo sông Tô Lịch. Vì sao? Vì tác hại của nó là kinh khủng”- ông Trí nói.

Ông Trí nhận định tình trạng ô nhiễm sông Tô Lịch càng ngày càng trầm trọng hơn qua mỗi thập kỷ, từ năm 1976, đến 1986, đến 1996 cho đến bây giờ là khác nhau.

“Tôi ra Hà Nội từ năm 1976, khi đó chuyện lội qua sông Tô Lịch là chuyện chúng tôi làm hằng ngày, vì chỗ Trường ĐH Y Hà Nội có một khúc sông có thể xắn quần lội qua. Nhưng bây giờ đố mà lội qua được. Đây là câu chuyện mà ta phải quyết liệt làm vì tác hại, ảnh hưởng của nó nằm trong đất, nằm trong môi trường là cực kỳ to lớn”- ông Trí dẫn chứng.

Theo đó, ông Trí đề nghị lãnh đạo Hà Nội trong đoàn ĐBQH Hà Nội là Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cần chỉ đạo quyết liệt để cải tạo sông Tô Lịch vì đây là “việc làm mang lại hạnh phúc cho nhân dân”.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương

Chủ trì phiên thảo luận tổ, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết hiện thành phố vừa đầu tư, vừa khởi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì, Hà Nội) với công suất 270.000 m3/ ngày đêm. Khi hoàn thành hệ thống này xử lý hơn 50% nước thải của sông Tô Lịch và sông Lừ.

Riêng tại sông Tô Lịch thì hệ thống này sẽ gom các cống xả lại thành hệ thống đường ống dẫn nước thải dài 52 km, phi khoảng độ 400. Còn lại nửa trên, thượng lưu của sông Tô Lịch, nước thải ra đây sẽ được gom về nhà máy nước thải đầm Bảy (Hồ Tây, quận Tây Hồ). Từ đây nước thải sẽ được xử lý sạch sau đó bơm ngược lại sông Tô Lịch.

“Vấn đề ở sông Tô Lịch là xử lý nước thải xong thì phải tạo ra dòng chảy thì nó mới sạch được. Còn sau đó bơi được hay không thì tính sau…”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải

Trước giải đáp của Bí thư Hà Nội, ông Trí nói: “Hôm vừa rồi đọc báo tôi thấy rất vui vì TP đã khởi công hệ thống nước thải Yên Xá. Nói thật tôi đã rất vui và nhắn tin cảm ơn anh Chung (Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội) về việc này, bây giờ có anh ở đây (Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải) cũng cảm ơn luôn. Nhưng tôi cho rằng xử lý nước thải thì cái quan trọng nhất là xử lý ngay đầu nguồn”.

Ông Trí lấy ví dụ ngay tại bệnh viện của mình khi xây dựng ban đầu đã dành kinh phí để làm hệ thống xử lý nước thải và chi phí không hề lớn. “Viện tôi xây tổng thể hết khoảng 460 tỉ, đầu tư cho xử lý nước thải chỉ có 5 tỉ, chi phí không hề lớn. Tôi đọc báo thấy có những tòa nhà xây xong để bán cho dân nhưng ở bên dưới lại không có hệ thống xử lý nước thải, cái nước thải ở đó chảy ra sông Tô Lịch thì dọc đường nó cũng đã gây ô nhiễm rồi”, ông Trí nói.

Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Hà Nội cũng cho biết: “Hà Nội bây giờ có hơn 1 triệu khối nước thải/ngày đêm nhưng bây giờ chỉ xử lý được khoảng 22%, cho nên sự nghiệp xử lý nước thải của TP vẫn còn gian nan”.

Dẫn chứng về việc xử lý nước thải tại Hồ Tây thời gian qua sau vụ cá chết bất thường hàng loạt, ông cho hay hiện Hà Nội đang yêu cầu tất cả nhà hàng ký cam kết.

“Trước đây đã đầu tư nhà máy rồi nhưng không ai muốn đấu vào cả, không ai muốn trả tiền cho việc xử lý nước thải. Cho nên sau vụ vừa rồi nên bây giờ phải ký hết. Đợt tới sẽ làm hết để không có nước thải trực tiếp ra hồ nữa”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm