Mưa dứt đã một ngày nhưng anh NVT, chủ một căn biệt thự liền kề tại khu đô thị (KĐT) Nam An Khánh (xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội), vẫn phải tất bật bơm nước, tiêu úng cho căn biệt thự của mình.
Mưa là ngập
Toàn bộ tầng hầm của căn nhà bị ngập nước. Đường trước cửa cũng ngập, có chỗ nước cao tới ba tấc. Mỗi lần xe chạy qua, nước dâng lên tràn vào tầng hầm.
“Mưa lớn là ngập. Đầu tuần trước chúng tôi vừa dính một trận, tuần này lại dính tiếp một trận nữa. Hệ thống thoát nước ở khu vực này quá kém. Hầu như năm nào chúng tôi cũng bị hai, ba lượt. Ở khu này nhà ai cũng phải mua máy bơm để tiêu nước sau mỗi trận mưa. Nhiều hộ mua nhà rồi không đến ở vì sợ ngập” - anh T. nói.
Giống KĐT Nam An Khánh, hàng loạt KĐT khác nằm hai bên trục đường Lê Trọng Tấn và đại lộ Thăng Long (thuộc huyện Hoài Đức) đều chung cảnh ngộ mỗi khi có mưa lớn.
Trong đó phải kể đến các dự án quy mô như: Khu Thiên Đường Bảo Sơn; khu Nam An Khánh (288 ha, do Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà -SUDICO làm quy hoạch và xây dựng từ năm 2004); khu Bắc An Khánh với trên 250 ha (do liên doanh giữa Vinaconex và Posco E&C làm chủ đầu tư, được xây dựng từ năm 2006); KĐT của Geleximco - Lê Trọng Tấn (của chủ đầu tư là Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), quy mô 135 ha…).
Toàn bộ tầng hầm của căn biệt thự nhà anh T. bị ngập nước. Ảnh: TP
Người dân sống ở khu biệt thự liền kề tại đô thị Nam An Khánh phải bơm nước chống ngập cho tầng hầm. Ảnh: TP
Bất cập của hạ tầng thoát nước
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Hoán, Chủ tịch UBND xã An Khánh (Hoài Đức), cho biết tình trạng ngập tại khu vực xã An Khánh xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây, khi trên địa bàn có những dự án đô thị lớn, đồng ruộng bị bê tông hóa.
“Xã An Khánh vốn là vùng trũng, trước đây mưa lớn nước tràn ra cánh đồng, ngập lúa nhưng thoát cũng rất nhanh. Nhưng giờ nhiều dự án quá, chỉ tính riêng ba dự án Nam An Khánh, Bắc An Khánh và Geleximco - Lê Trọng Tấn… đã chiếm diện tích hơn 600 ha rồi. Nước không có chỗ thoát nữa” - ông Hoán nói.
Cũng theo chủ tịch UBND xã An Khánh, không chỉ các KĐT bị ngập mà trục đường Lê Trọng Tấn qua xã cũng bị ngập hai điểm lớn, có đoạn sâu hàng mét. Còn trục đại lộ Thăng Long thì toàn bộ các hầm chui đều bị ngập nước, không đi lại được.
Ông Hoán cũng cho hay hệ thống thoát nước tại khu vực thiếu đồng bộ cũng góp phần gây ngập nặng. Cụ thể, nước mưa từ An Khánh chủ yếu theo mương Miêu Mạc thoát ra địa phận Nam Từ Liêm. Nhưng đoạn cống thoát nước của KĐT Geleximco nằm sát mương Miêu Mạc có diện tích 2 x 3 m trong khi cống của KĐT Nam An Khánh nối liền lại là 3 x 3 m dẫn tới tình trạng “nút cổ chai” khiến nước không thoát nhanh được.
“Mỗi lần mưa lớn, cuộc sống của người dân xã dường như bị đảo lộn. Những bất cập về hệ thống tiêu úng này đã được xã nhiều lần kêu lên các cấp nhưng chưa được giải quyết. Việc này quá thẩm quyền, khả năng của chúng tôi. Chẳng hiểu sao khi phê duyệt các dự án, người ta lại duyệt thiết kế các cống của các KĐT không đồng bộ với nhau như thế” - ông Hoán nói.
Dồn sức tiêu, thoát nước Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết đến sáng 18-7, Hà Nội đã ngớt mưa, cơ bản đã hết các điểm úng ngập tại nội thành cũ, giao thông đã ổn định. Mực nước các sông đang ở ngưỡng cao. Hiện công ty vẫn tiếp tục vận hành 100% công suất trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2… và mở đập Thanh Liệt để hỗ trợ giảm mực nước trên sông Nhuệ. Đồng thời vẫn triển khai 100% lực lượng ứng trực thực hiện công tác tua vớt rác tại miệng thu hàm ếch, khơi thông dòng chảy và phối hợp hướng dẫn giao thông. Các cửa hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa, Linh Đàm, cửa điều tiết A, B… được mở để điều hòa nước theo quy trình. Các trạm bơm khác được vận hành hết công suất để hạ mực nước trên hệ thống về mức quy định chuẩn bị đối phó với các trận mưa tiếp theo. Thiếu nhiều hệ thống thoát nước Chiều 18-7, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết hiện Hà Nội mới chủ yếu đầu tư cho hệ thống thoát nước của khu vực phía Đông sông Tô Lịch đi vào nội đô cũ. Phần giữa lưu vực sông Tô Lịch và sông Nhuệ đang được đầu tư. Còn phía Tây sông Nhuệ đa phần là hệ thống thoát nước tưới tiêu nông nghiệp từ trước, xen với nó là các cống thoát nước riêng của các KĐT. Khu vực này cũng đã có quy hoạch hệ thống thoát nước, tuy nhiên chưa được đầu tư. |