Quang cảnh buổi họp báo.
Sáng 3-12, tại TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức họp báo về việc sáp nhập trường ở xã Hương Bình (huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh).
Như PLO đã đưa tin, từ đầu năm học 2014-2015, phụ huynh ở xã Hương Bình ngăn hơn 500 em học sinh (ở các cấp học mầm non, tiểu học và THCS) đến lớp để phản đối sáp nhập Trường THCS xã Hương Bình với Trường THCS xã Hòa Hải và Trường THCS xã Phúc Đồng (huyện Hương Khê).
Trước đó, sáng 12-10, bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh và phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đối thoại trực tiếp với cán bộ, đảng viên và phụ huynh ở xã Hương Bình. Nhưng sau đối thoại, nhiều phụ huynh vẫn phản đối sáp nhập trường bằng cách ngăn không cho con em họ đến trường.
Như vậy, gần ba tháng qua, kể từ ngày 18-8, hơn 500 học sinh mầm non, tiểu học và THCS ở xã Hương Bình vẫn phải ở nhà.
Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh trả lời các câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo.
Tại buổi họp báo, ông Hoàng Công Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: Căn cứ vào số liệu điều tra phổ cập, từ năm học 2014-2015 đến năm học 2015-2020, số học sinh Trường THCS Hương Bình chỉ dao động từ 200 đến 247 em học sinh (được biên chế tối đa 8 lớp), là một trong những trường có quy mô nhỏ nhất trong toàn huyện.
Việc sáp nhập Trường THCS Hương Bình vào các Trường THCS Hòa Hải và Phúc Đồng vì: Trường THCS Hòa Hải hiện chỉ có 14 lớp với 410 học sinh, khi sáp nhập sẽ đón hơn 100 học sinh xã Hương Bình.
Trường THCS Phúc Đồng hiện có 14 lớp với 370 học sinh (trong đó học sinh ở xã Phúc Đồng 274 em, xã Hương Thủy 106 em). Trường THCS Phúc Đồng là trường đón học sinh ở xã Hương Thủy và Hương Bình thì sẽ có trên 470 em học sinh.
Về khoảng cách từ nhà đến trường sau khi sáp nhập thì từ 1km đến dưới 5 km có 32 học sinh, từ 5 km đến dưới 7 km có 167 em, từ 7 km đến dưới 8 km có 41 em, từ 8km đến 8,5 km chỉ có 4 học sinh. Không có học sinh nào phải đi từ 8,5 km trở lên.
Theo ông Lý, trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân ở xã Hương Bình chưa đồng tình. Họ gửi đơn và trực tiếp đến các cơ quan chức năng đề nghị giữ lại Trường THCS Hương Bình.
Thời gian qua, Ban thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Hương Khê đã có nhiều giải pháp tuyên truyền đến tận hộ dân, hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn như xe đạp, gạo, mở hai tuyến xe buýt để đưa đón học sinh đi học và về nhà. Đồng thời tất cả học sinh THCS ở xã Hương Bình đi học đều không phải đóng tiền xây dựng cơ sở vật chất trường học.
Bằng các giải pháp trên, đến sáng 3-12, hiện đã có 89 trong tổng số 247 học sinh THCS đi học.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo UBND huyện Hương Khê và UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định việc sáp nhập trường là đúng luật, hợp chủ trương để nâng cao chất lượng dạy và học được tốt hơn.
Do vậy trong tháng 12-2014, tỉnh Hà Tĩnh sẽ bằng mọi giải pháp đưa học sinh đến trường học. Ngành giáo dục Hà Tĩnh đã sẵn sàng để phụ đạo, dạy thêm cho các em để các em kịp học theo chương trình.