Hai giải pháp chống thiếu tàu, xe Tết

Nhu cầu trở về quê ăn Tết, xum họp gia đình rồi sau đó trở lại làm việc luôn bất tận. Ai có tiền của, rộng rãi thời gian thì đi xe riêng, đi máy bay. Còn phần lớn người lao động chỉ trông vào hai loại phương tiện là ôtô và tàu hỏa. Thành thử hàng trăm ngàn người đã chầu chực, vật vã, chen lấn, chấp nhận bị móc túi, bị “chặt chém”, bị hành hạ để có được một chỗ trên xe, trên tàu.

Phải làm sao để chuyện tàu, xe ngày Tết không còn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”?

Mua thêm xe chở khách chăng? Mua ít thì không thấm tháp. Nhưng ai dám đầu tư mua nhiều để rồi sau Tết để xe ở đâu? Tài xế làm việc gì? Hay tăng chuyến quay vòng? Với giải pháp này, nguy cơ tai nạn càng nhiều. Từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam, xe lửa, xe hơi cũng phải mất trên dưới hai ngày đêm nên không thể tăng tốc như máy bay chỉ trong hai giờ.

Tôi xin hiến kế hai giải pháp để có thể chủ động làm cho kịp Tết năm sau.

1. Điều xe tải vận chuyển hành khách

Trong những ngày sát Tết và sau Tết, nếu xe chở khách trên 30 chỗ chạy đường dài đều quá tải trầm trọng thì xe tải có trọng tải từ 3,5 tấn trở lên gần như rất ít việc, ít hàng. Chúng ta có thể sử dụng lực lượng này vào vận chuyển hành khách trong một thời gian nhất định.

Hẳn sẽ có người băn khoăn: Sao lại dùng xe tải để chở người? Xe tải muốn chở người thì phải cải tạo như lắp ghế ngồi, phải có bậc lên xuống, phải có đầy đủ tiêu chuẩn và chuyển đổi mục đích sử dụng để chở người...

Theo tôi, không có gì là không được cả. Nếu chất lượng tốt, được trải đệm dưới sàn, lắp các tay vịn chắc chắn và có một cầu thang gỗ lắp móc phía sau cho người lên xuống tựa như xe chở công an, chở bộ đội hành quân, chiếc xe tải hoàn toàn có thể đảm nhận việc chở hành khách. Khi đó, người ngồi cũng vững chắc, thậm chí có thể ngả lưng, có chỗ để hành lý rộng rãi mà giá cả thì cũng rẻ.

Có thể ai đó sẽ lo lắng xe tải không an toàn, tài xế không đủ tiêu chuẩn chở người. Thiết nghĩ xe có an toàn hay không là ở tiêu chuẩn kiểm định; tài xế có đủ tiêu chuẩn chở người hay không là ở kết quả sát hạch cấp bằng lái, là ở tuổi đời, tuổi nghề.

Cũng có người sẽ hoài nghi nếu cho xe tải chở khách thì sẽ mạnh ai nấy chạy, tranh giành nhau... không thể kiểm soát được. Theo tôi, nếu có chủ trương huy động một số xe tải chở khách trong dịp Tết thì trước hết, các chủ xe tải phải đăng ký, phải tham gia vào một tổ chức có người chỉ huy, quản lý, điều hành.

Xe phải được tổ chức thành tổ, thành đội; phải có bến, bãi được tổ chức quản lý chặt chẽ, có lộ trình, giấy phép đặc biệt của Bộ Giao thông Vận tải dán ở kính xe (có hạn định thời gian hoạt động). Tóm lại, quản lý được hay không thuộc về các nhà chức trách, miễn sao đừng chặt quá dễ hỏng việc, lỏng quá dễ sinh loạn.

2. Thuê xe của các nước lân cận

Ngoài nước ta và Trung Quốc thì ba nước bạn cạnh ta (Lào, Campuchia và Thái Lan) không có Tết nguyên đán. Ở các thủ đô Bangkok, Phnom Penh và Viêng Chăn, trong những ngày Tết nguyên đán, người Hoa đóng cửa ở trong nhà và đi lễ chùa, lượng khách đi lại thưa thớt so với ngày thường.

Ngày Tết của ba quốc gia này là 13-4 dương lịch. Thường ngày xe của họ chở khách ít khi đầy, chỉ có 30%-50%. Tỷ lệ xe trên khách cao hơn ta gấp hai lần. Đáng lưu ý, xe chở khách ở nước họ chất lượng khá tốt, đặc biệt giá xe rẻ hơn ở nước ta, nên khấu hao thấp hơn, đầu tư dễ dàng hơn.

Nên chăng vào dịp Tết, nhà nước cho một vài doanh nghiệp ký hợp đồng ngắn hạn thuê xe của nước bạn (có thể vài trăm xe), tạm nhập trước Tết rồi tái xuất sau Tết để phục vụ người lao động về quê.

Hình thức thuê xe có thể là thuê khô (tài xế của ta) hoặc thuê ướt (cả xe cả người lái), số xe tạm nhập cũng tổ chức thành tổ, thành đội. Giải pháp này có một số hạn chế về thủ tục nhập khẩu (tạm nhập tái xuất xe) và nếu thuê ướt thì còn có thủ tục nhập cảnh. Rồi tài xế không quen đường, ngôn ngữ bất đồng... Tuy nhiên, những vấn đề này đều có thể giải quyết được.

Xét cho cùng, cả hai giải pháp trên đều có những mặt không tốt vì không thể hiện được sự văn minh, hiện đại; không phù hợp với thông lệ phổ biến của các quốc gia... Song người Pháp có một ngạn ngữ: “Đứng trước cái xấu và cái tồi tệ, bạn nên chọn cái xấu”. Thực trạng xe, tàu Tết thời gian qua là sự tồi tệ. Thành thử chính quyền phải khẩn trương tìm những biện pháp để giảm thiểu chứ không nên thụ động để dây dưa, kéo dài.

MAI TRỌNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm