Hai kênh thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất hiện ra sao ?

(PLO)- Kênh Hy Vọng và kênh A41 (quận Tân Bình) - hai kênh thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất sau nhiều năm "bất động" hiện đang được gấp rút triển khai.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kênh Hy Vọng và kênh A41 (quận Tân Bình) - hai kênh thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất. Nhiều năm qua, TP.HCM đã có kế hoạch cải tạo hai con kênh này để cải thiện môi trường, giảm ngập cho khu vực sân bay. Tuy nhiên, hiện hai dự án này vẫn gặp nhiều vướng mắc, đang được các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ.

Nhiều năm qua, nằm dọc theo kênh Hy Vọng, kênh A41 là hàng trăm ngôi nhà chờ giải tỏa.

Chưa rõ hình hài dự án

Kênh Hy Vọng dài khoảng 1,8km, chảy qua địa bàn phường 15 (quận Tân Bình), đảm nhận tiêu thoát cho toàn bộ diện tích phía Tây và Bắc sân bay Tân Sơn Nhất. Nước từ sân bay thoát ra kênh Hy Vọng sẽ đổ về kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Dự án cải tạo kênh Hy Vọng được TP.HCM lên kế hoạch triển khai từ năm 2013. Thế nhưng, 11 năm trôi qua, dự án vẫn chưa rõ hình hài khiến hàng trăm hộ dân sống cảnh ô nhiễm suốt hơn một thập kỉ.

kênh hy vọng
Rác tồn đọng dưới kênh Hy Vọng, đoạn qua đường Phan Huy Ích.

Theo ghi nhận của PLO, kênh Hy Vọng đoạn chảy qua đường Phan Huy Ích, rác thải ứ đọng hòa cùng dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Đa phần là rác thải sinh hoạt, một số ít là rác cồng kềnh như nệm, bồn cầu, gấu bông,...cũng bị người dân "thẳng tay" vứt xuống kênh.

Men theo con kênh là nhiều ngôi nhà chỉa thẳng ống nước thải sinh hoạt trực tiếp ra tuyến kênh này, làm tình trạng ô nhiễm trầm trọng hơn.

kenh-hy-vong-1.jpg
Nước sinh hoạt thải trực tiếp xuống kênh.

Bà Hai Qua, sống trên đường Phan Huy Ích hơn 10 năm phản ánh: Người đi đường ngang qua còn lấy tay che vì hôi thì người dân sống dọc kênh rất khốn khổ. Kênh ô nhiễm làm phát sinh côn trùng gây hại như chuột, muỗi, gián. Trời nắng thì bốc mùi gay gắt, trời mưa thì rác trôi lềnh bềnh khắp nơi.

"Thời gian qua, chính quyền, tình nguyện viên cũng thường xuyên ra quân dọn dẹp rác, tuy nhiên vài ngày thì rác ở đâu lại trôi xuống, không thể xử lý dứt điểm được. Nhiều người tiếc đóng tiền rác nên tiện tay vứt thẳng xuống kênh", bà Hai Qua phàn nàn.

kenh-hy-vong-2.jpg
Dòng nước chưa thể hồi sinh dù nhiều lần được dọn rác.

Cách đó không xa, ông Ngọc Tư, gia đình ba thế hệ sống bên bờ kênh cho biết, đã được nghe thông tin về dự án từ rất lâu. Người dân nơi đây cứ ngóng trông dự án được triển khai, mong sớm được di dời, giải tỏa để cải thiện đời sống.

kenh-hy-vong-7.jpg

Cách đó chừng 7km, kênh A41 có hy vọng hơn khi công tác giải phóng mặt bằng đang được triển khai tích cực. Nhiều hộ dân sống dọc kênh đã giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho dự án. Dòng nước dưới kênh dần "hồi sinh", chuyển từ màu đen thành màu xanh, nhiều điểm vẫn tồn đọng rác. Tuy nhiên, dự án này vẫn còn vướng 18 mặt bằng chưa giải tỏa khiến cho dự án tiếp tục kéo dài, trì trệ.

Hơn 2.500 tỉ đồng hồi sinh 2 dự án

Dự án cải tạo kênh Hy Vọng dài 1,1km (đoạn từ đường Phạm Văn Bạch đến kênh Tham Lương - Bến Cát) đã được TP.HCM chấp thuận chủ trương từ năm 2013 với tổng mức đầu tư 513,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, do vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và một số thủ tục nên dự án đến nay vẫn chưa được triển khai.

kenh-hy-vong-8.jpg
Đoạn kênh chảy qua đường Phạm Văn Bạch khởi sắc hơn.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, dự án cải tạo kênh Hy Vọng với quy mô bồi thường 179 căn nhà, tổng vốn di dời 1.595 tỉ đồng, diện tích cần giải tỏa khoảng 21.200 m2. Tổng mức đầu tư dự án 1.980 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách, thực hiện từ nay đến năm 2027.

Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, chưa triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, dự án này chưa có tên trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025. Chính vì vậy, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở ngành, các đơn vị liên quan trình thực hiện hoàn tất thủ tục chủ trương đầu tư, trình HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư công, bổ sung các dự án vào Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Đồng thời, xem xét, bố trí nguồn vốn để thực hiện trước công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 2021-2025, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2026-2030.

du-an-chong-ngap-san-bay-Tan-Son-Nhat-3.jpg
Kênh A41 vẫn vướng mặt bằng.

Dự án cải tạo kênh A41, dự án được HĐND TP.HCM duyệt chủ trương đầu tư công năm 2016. Dự án có tổng mức đầu tư 560 tỉ đồng, 142 trường hợp bị ảnh hưởng, diện tích thu hồi của các hộ dân là 8.041 m2.

Theo Sở Xây dựng, hiện dự án vẫn còn vướng 18 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng. Các đơn vị vẫn đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng cho dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm