Nằm ở khu vực Bắc Cực có một đảo cằn cỗi và hoang vắng gọi là đảo Hans. Đảo này không có ai cư trú vì chỉ có diện tích hơn 0,8 km2. Đảo Hans không có tài nguyên thiên nhiên và là một vùng đất "kỳ quái” và hoang vắng.
Tuy nhiên, từ đầu những năm 1930, đảo này đã trở thành trung tâm của sự bất đồng giữa Canada và Đan Mạch.
Theo World Atlas, đảo Hans nằm giữa eo biển Nares (rộng 22 dặm, tức gần 35 km), tách giữa Greenland - lãnh thổ tự trị của Đan Mạch với Canada. Theo luật quốc tế, tất cả quốc gia đều có thể tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong vòng 12 dặm từ bờ.
Đảo Hans nằm giữa eo biển Nares tách Đan Mạch với Canada. Ảnh: Business Insider
Như vậy, đảo Hans về mặt lý thuyết nằm trong cả vùng biển của Đan Mạch và Canada. World Atlas cho biết hòn đảo này đã được Tòa án Công lý Quốc tế của Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hiệp Quốc) quyết định là lãnh thổ của Đan Mạch vào năm 1933.
Tuy nhiên, sau khi Hội Quốc Liên tan rã và sau đó được thay thế bởi Liên Hiệp Quốc, phán quyết về tình trạng của đảo Hans không còn giá trị.
Vấn đề đảo Hans sau đó không được chính phủ Canada và Đan Mạch chú ý nhiều đến trong suốt Thế chiến II cũng như thời điểm đỉnh cao của Chiến tranh lạnh và chỉ được quan tâm trở lại vào năm 1984.
Trong năm này, bộ trưởng Đan Mạch phụ trách vùng Greenland đến thăm đảo và cắm cờ Đan Mạch lên đó. Ở dưới bệ cờ, ông đã để lại một lời nhắn "Chào mừng đến đảo của Đan Mạch" và một chai rượu, theo CBC.
Peter Takso Jensen - Đại sứ Đan Mạch tại Mỹ nói rằng: "Khi quân đội Đan Mạch đến đó, họ đã để lại một chai rượu schnapps. Và khi lực lượng quân sự Canada đến đó, họ để lại một chai rượu whisky và một tấm bảng: "Chào mừng bạn đến Canada"". Kể từ đó, hai nước đã tiến hành một cuộc "chiến tranh rượu whisky" trên đảo Hans.
Hiện Canada và Đan Mạch đang trong quá trình thảo luận kế hoạch đưa đảo Hans thành lãnh thổ chung mà hai nước có thể cùng quản lý.