Các nhà đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang có kế hoạch sẽ tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11 tới để tháo gỡ cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa hai nước, tin từ Wall Street Journal.
Một phái đoàn Trung Quốc chín người do Thứ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn dẫn đầu sẽ sang Mỹ đối thoại với phái đoàn do Thứ trưởng Tài chính David Malpass dẫn đầu trong hai ngày 22 và 23-8 tới. Lần cuối cùng hai phái đoàn thương mại Mỹ-Trung gặp nhau là đầu tháng 6.
CNBC dẫn ý kiến phân tích rằng một chủ đề chính sẽ được bàn đến trong cuộc đối thoại này là đồng nhân dân tệ yếu. Mỹ sẽ yêu cầu Trung Quốc điều chỉnh lại đúng tỉ giá đồng nhân dân tệ sau khi đồng tiền này mất 6% trong năm nay so với đồng USD, chủ yếu trong hai tháng qua.
Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn. Ảnh: REUTERS
Trong thông báo ngày 16-8, hai nước cho biết cuộc đối thoại này nhằm mục tiêu giải quyết cuộc chiến thuế quan đang có nguy cơ kéo hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới vào cuộc chiến thương mại toàn diện.
Mỹ và Trung Quốc nhiều tháng nay lôi nhau vào cuộc chiến trả đũa thuế quan. Hai bên đã cùng đánh thuế lên 34 tỉ USD hàng của nhau, và sẽ tiếp tục đánh lên 16 tỉ USD hàng hai bên từ ngày 23-8. Chưa hết, ông Trump còn dọa sẽ đánh thuế lên tới 500 tỉ USD hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Tính đến giờ, khoản thuế quan này mới là một phần nhỏ trong thương mại Mỹ-Trung, đồng nghĩa ảnh hưởng kinh tế tức thì với hai bên vẫn còn hạn chế. Đây là một lý do khiến các nhà phân tích lo hai nước sẽ không ngại kéo dài cuộc chiến thêm thời gian nữa.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà kinh tế Mỹ, nếu cuộc chiến kéo dài hơn một năm hay trở thành một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện thì kinh tế Mỹ sẽ bị chậm lại. Các nhà xuất khẩu Mỹ chịu mức thuế cao từ Trung Quốc sẽ phải đối mặt lựa chọn khó khăn. Hoặc chấp nhận giảm lợi nhuận, hoặc tìm cách đẩy chi phí này sang người tiêu dùng Trung Quốc, khiến sản phẩm mình kém cạnh tranh hơn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị G20 ở Đức ngày 7-7-2017. Ảnh: AFP
Ngoài ra, các cảng của Mỹ - vốn nhận lượng hàng giao dịch trị giá hàng trăm tỉ USD mỗi năm - sẽ là một trong những đối tượng cảm nhận tổn thương đầu tiên nếu kinh tế chậm lại vì cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Theo CBNC, hiện nhiều lãnh đạo các cảng ở Mỹ đã lường trước viễn cảnh hủy bớt các chuyến vận tải và giảm việc làm.
Phần Trung Quốc cũng không khả quan hơn, Giám đốc điều hành David Brown của tổ chức nghiên cứu tư vấn kinh tế độc lập New View Economics (Anh) nhận định trong một bài viết trên South China Morning Post. Theo ông, cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, vốn dựa rất nhiều vào nhu cầu xuất khẩu và đầu tư vào nội địa.
Ông cho rằng mức tăng trưởng 6%-8% không thể duy trì mãi và có khả năng sẽ bị giảm xuống còn 5%, thậm chí thấp hơn trong vài năm tới nếu Trung Quốc không có bước đi giảm thiểu rủi ro. Rủi ro lớn nhất về ngắn hạn là cuộc chiến thương mại với Mỹ vượt ngoài tầm kiểm soát, làm khựng đà tăng trưởng kinh tế cả hai.