The Guardian bình luận: Số phận bấp bênh của lô hàng đậu tương nói trên là một bằng chứng về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cuộc chiến này chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí đã có thêm bước leo thang mới khi Mỹ và Trung Quốc (TQ) vừa áp thuế thêm 25% lên 16 tỉ USD hàng hóa của nhau.
Tàu chở đậu tương Peak Pegasus của Mỹ "vật vờ" ở cảng Đại Liên, TQ. Ảnh: GETTY
Con tàu chở hàng được nhắc tới là tàu Peak Pegasus, dài 229 m, chở 70.000 tấn đậu tương Mỹ. Thuộc sở hữu của Công ty JP Morgan Asset Management, tàu Peak Pegasus ban đầu dự kiến sẽ dỡ lô hàng đậu tương tại cảng Đại Liên (TQ) vào ngày 6-7, ngay sau khi Tổng thống Donald Trump vừa chính thức áp thuế lên 34 tỉ USD hàng hóa TQ.
Khi nghe tin về kế hoạch đánh thuế, con tàu đã di chuyển vội vã để có thể làm xong thủ tục hải quan trước khi TQ áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, con tàu đến nơi quá muộn khi TQ đã áp thuế lên đậu tương Mỹ.
Do chủ lô hàng không muốn chịu mức thuế 25%, con tàu chở đậu tương Mỹ đã "vật vờ" ngoài khơi biển Hoàng Hải suốt hơn một tháng qua. Trong lúc này, chủ lô hàng - được cho là công ty giao dịch hàng nông sản Louis Dreyfus - vẫn đang cân nhắc nên làm gì.
Công ty có trụ sở Amsterdam (Hà Lan) này được cho là đang phải trả khoảng 12.500 USD mỗi ngày để tiếp tục thuê con tàu. Như vậy, chi phí phát sinh trong vòng hơn một tháng qua đã lên tới 400.000 USD.
Các chuyên gia về hàng hóa toàn cầu cho hay việc giữ đậu tương trên biển như vậy, thậm chí trong vòng nhiều tháng, vẫn hợp lý hơn về mặt tài chính bởi việc ra quyết định sai về hành động tiếp theo có thể đặt ra nhiều rủi ro.
Giá đậu tương Mỹ đã giảm mạnh kể từ khi chiến tranh thương mại bắt đầu bởi các công ty TQ, nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, đã đi tìm các nguồn hàng khác. Điều này đồng nghĩa với việc nếu Louis Dreyfus bán lô đậu tương trên cho khách châu Âu hoặc khách ở khu vực khác, họ sẽ phải chấp nhận mức giá giảm nhiều so với giá ban đầu.
Còn nếu đưa lô hàng này vào cảng TQ, Louis Dreyfus sẽ phải chịu mức thuế 25%, tương đương khoản thuế phải nộp là 6 triệu USD.
Hàng xuất khẩu tại một cảng ở Thượng Hải, TQ: Ảnh: REUTERS
Đậu tương là một nguyên liệu quan trọng để sản xuất dầu ăn, dầu diesel sinh học và chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó có thức ăn cho heo - loại gia súc là nguồn cung cấp thịt chủ yếu ở TQ. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu đậu tương của Mỹ sang TQ đạt khoảng 14 tỉ USD. Mỹ là nguồn cung cấp đậu tương nhập khẩu lớn thứ nhì của TQ, sau Brazil.
Một nhân tố khiến số phận lô đậu tương trên tàu Peak Pegasus thêm phần bấp bênh là liệu TQ sẽ mất bao nhiêu thời gian để có thể dựa hoàn toàn vào đậu tương Brazil như một nguồn cung thay thế cho đậu tương Mỹ.
“Vấn đề đối với TQ là Brazil thường rơi vào cảnh “cháy hàng” đậu tương vào thời điểm này hằng năm. Vì vậy, Brazil không thể là nguồn cung cấp đậu tương duy nhất cho TQ được" - ông Michael Magdovitz, một nhà phân tích thuộc Rabobank, nhận định.
Trước khi TQ áp thuế, các công ty TQ đã đẩy mạnh nhập khẩu đậu tương Mỹ để dự trữ và tránh mức thuế 25%. Tuy nhiên, nỗi lo về khả năng xảy ra thiếu đậu tương trong quý 4 vẫn đẩy giá đậu tương ở TQ tăng mạnh gần đây.
Theo ông Magdovitz, ngoài tàu Peak Pegasus, một tàu chở đậu tương khác của Mỹ là tàu Star Jennifer cũng đã “lơ lửng” ngoài khơi TQ nửa tháng nay. Theo chuyên gia Magdovitz, hai lô đậu tương này có thể đang chờ TQ đi đến quyết định trợ cấp cho các công ty nhập khẩu đậu tương.