Hải Phòng lý giải về 10.000 tỉ đồng xây trung tâm hành chính
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, chủ trì cuộc họp báo giải thích về thông tin khu hành chính 10.000 tỉ đồng ở Hải Phòng.
Đó là khẳng định của đại diện UBND TP Hải Phòng - ông Lê Khắc Nam (Phó Chủ tịch UBND TP) trước các cơ quan báo chí chiều 10-11. Theo đó, 10.000 tỉ đồng này để xây dựng cả khu đô thị Bắc Sông Cấm, trong đó có khu hành chính mới.
Ông Phạm Hữu Thư, Chánh Văn phòng UBND TP Hải Phòng, khẳng định Hải Phòng chưa nghiên cứu, chưa lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở trung tâm hành chính - chính trị “ngàn tỉ". Thực tế, con số 10.000 tỉ đồng với 70% xin ngân sách trung ương là con số dự tính để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc Sông Cấm.
“Việc xây dựng khu đô khị mới Bắc Sông Cấm là một trong những hướng quan trọng để xây dựng, phát triển TP Hải Phòng thành đô thị đặc biệt cấp quốc gia. Chủ trương này được thông qua và xuyên suốt từ trung ương đến địa phương và có từ cách đây 12 năm” - ông Thư nói.
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cũng cho biết: Trong tương lai, Hải Phòng sẽ phát triển TP theo dọc các con sông Cấm, sông Lạch Tray. Chính vì vậy dự án đô thị mới Bắc Sông Cấm là dự án rất quan trọng và cần được tính toán kỹ, đầu tư lớn.
"Con số đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng chỉ là dự tính, có thể thấp hơn hoặc cao hơn. Số tiền này sẽ được đầu tư chính vào cơ sở hạ tầng (đường sá, điện, nước,…) và hệ thống đê biển, kè sông. Khu trung tâm hành chính - chính trị cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ của dự án (khoảng 32 ha) và việc xây dựng trung tâm này cũng phải được xem xét vào thời điểm thích hợp" - ông Nam khẳng định.
Ông Nam cũng cho rằng việc TP Hải Phòng xin trung ương 7.000 tỉ đồng không có gì là quá đáng. "Hải Phòng là một trong những địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất (năm 2014 là trên 50.000 tỉ đồng). Trong khi đó những công trình sử dụng 7.000 tỉ đồng trên là những hạng mục trung ương phải đầu tư cho Hải Phòng (cầu, đê biển, kè sông). Còn 3.000 tỉ đồng còn lại thì TP sẽ dựa vào nhiều nguồn như ngân sách nội địa, thu hút đầu tư qua các hình thức BT, BOT, PPP” - ông Nam nói.