Từ cuối năm 2021, dự án nhà máy điện gió Ia Le 1 do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 (công suất 100MW, vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng với 28 trụ tua pin gió) đã bắt đầu vận hành thương mại một phần. Thế nhưng, đến nay khâu bồi thường, hỗ trợ cho người dân trong phạm vi hành lang dự án chưa được giải quyết khiến hàng chục hộ dân khổ sở, khiếu kiện kéo dài.
Dân khổ sở đi đòi quyền lợi
Nói về việc này, ông Lê Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Ia Le (huyện Chư Pưh, Gia Lai), xác nhận thực trạng này kéo dài mấy năm nay nhưng chưa được giải quyết khiến dân khiếu kiện kéo dài. Bước đầu công ty đồng ý bồi thường nhưng mức quá thấp, dân không đồng ý. Hiện có 37 hộ dân có đất trong phạm vi hành lang dự án chưa được bồi thường.
“Sự việc kéo dài do vướng về chính sách đền bù. Đến nay vẫn chưa có định mức cụ thể về hướng dẫn bồi thường, hỗ trợ cho người dân”, ông Việt nói.
Đất đai, nhà dân nằm ngay dưới chân trụ điện gió chưa được đền bù. Ảnh: TN. |
Theo ông Việt, ngay đầu triển khai dự án, quan điểm là doanh nghiệp thương lượng, thỏa thuận với các hộ dân. Bây giờ, khi có vấn đề xảy ra, trước tiên là hai bên thương lượng, thỏa thuận để giải quyết. Còn chính quyền ở giữa làm “cán cân”, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân và quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp.
Theo tìm hiểu của PV, sự việc này dây dưa kéo dài khiến người dân bức xúc.
Bà Phạm Thị Hòa (ngụ thôn Phú Bình, xã Ia Le – có trụ điện gió N13 lắp đặt cách đất của gia đình bà 10 m, cách nhà ở 80 m), cho hay trụ điện gió này cao 117 m, bán kính cánh quạt 75 m, có không gian dưới cánh quạt đã chiếm vào đất của gia đình bà 65 m.
“Trước khi thi công, đáng lẽ công ty phải thực hiện phương án bồi thường. Nhưng đến đơn vị vẫn chưa thực hiện hỗ trợ, bồi thường. Chúng tôi đã làm đơn kiến nghị lên các cấp đề nghị chủ đầu tư bồi thường thỏa đáng, nhưng vụ việc kéo dài đến nay chưa được giải quyết”, bà Hòa bức xúc nói.
Trường hợp gia đình ông Trần Văn Kết (thôn Phú Bình) thì khổ sở hơn vì “bị kẹp” giữa hai trụ điện gió N17 và N31. Cả hai trụ này vận hành gây ra tiếng ồn rất lớn, ảnh hưởng rất lớn đến công việc hàng ngày và sản xuất.
Ông Kết nói: “Chúng tôi mong muốn được bồi thường thỏa đáng trên phần đất bị ảnh hưởng. Với giá trị của các loại cây ăn quả và hồ tiêu thì phần đất sản xuất của gia đình ước tính có giá trên 100 triệu đồng/sào. Do đó, công ty cần phải rà soát diện tích đất ảnh hưởng và tính toán giá trị cây trồng để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa cho dân”.
Theo phản ánh, việc chậm trễ đền bù và khắc phục những tồn tại liên quan dự án này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. Thậm chí, nhiều người dân tụ tập đông người đi khiếu kiện gây nguy cơ mất an toàn giao thông, mất an ninh trật tự địa bàn.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hiệp, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pưh, cho rằng huyện đã thành lập hai tổ công tác nhằm giải quyết kiến nghị, khiếu nại của các hộ dân. Vướng mắc hiện nay là chưa có quy định cụ thể về việc đền bù cho người dân, trong khi dân thì đòi giá cao, còn doanh nghiệp lại muốn đền bù giá thấp.
“Hiện tại có hai hướng giải quyết, một là theo con đường hành chính là dân phải chờ hướng dẫn từ các cấp thẩm quyền, hai là khởi kiện ra tòa theo Điều 203 của Luật Đất đai”, ông Hiệp cho biết.
Chờ hướng dẫn từ Trung ương
Cuối 2022, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 có phương án hỗ trợ các công trình nhà ở, nhà rẫy, chuồng trại chăn nuôi tại khu vực dự án gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, UBND huyện Chư Pưh.
Theo đó, phương án hỗ trợ sẽ căn cứ theo khoản 2 Điều 10 Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 21-3-2018 của UBND tỉnh Gia Lai và đề xuất mức hỗ trợ là 10%. Việc này người dân không đồng tình và tiếp tục khiếu kiện.
Chậm trễ đền bù, nhiều hộ dân bức xúc khiếu nại vượt cấp. |
Theo ý kiến của người dân, tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 02/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương thì “công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300 m”. Do vậy, phạm vi hành lang an toàn cột tháp gió của nhà máy điện gió phải là 300 m và người dân phải được bồi thường, hỗ trợ trong phạm vi này. Thế nhưng, mức hỗ trợ cụ thể ra sao thì chưa có hướng dẫn.
Để tránh tình trạng khiếu kiện gây mất an ninh trật tự và tranh chấp với giữa người dân với doanh nghiệp, ngày 19-4, ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã có buổi tiếp xúc, đối thoại với người dân.
Liên quan vấn đề này, tỉnh đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương tháo gỡ các vướng mắc của người dân về đến bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất, tài sản, cây cối, hoa màu nằm trong phạm vi hành lang an toàn của cột tháp gió… Yêu cầu các ngành chủ động liên hệ Bộ TN&MT, Bộ Công Thương cũng như tham khảo các địa phương khác để có giải pháp xử lý tháo gỡ.
Mới đây, ngày 28-4, UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục có văn bản gửi Bộ Công Thương hướng dẫn, giải thích một số nội dung quy định tại Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15-1-2019. Cụ thể, đề nghị bộ hướng dẫn xác định phạm vi hành lang an toàn cột tháp gió theo thông tư này các nhằm có cơ sở để chỉ đạo các sở, ngành và các cấp chính quyền địa phương của tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích các quy định pháp luật cho người dân hiểu và tạo sự đồng thuận.
Trên cơ sở những kiến nghị của tỉnh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, có ý kiến để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành sớm có văn bản quy định, hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió.
Theo ông Ông Nguyễn Hữu Quế, việc công ty đề xuất hỗ trợ 10% là chưa thoả đáng. Trong lúc chờ cấp Trung ương có thẩm quyền ban hành quy định, hướng dẫn, đề nghị công ty phối hợp với chính quyền địa phương xem xét, đánh giá và tính toán nâng mức hỗ trợ vật kiến trúc và tài sản trên đất của dân trong phạm vi hành lang an toàn trụ tháp gió; sớm triển khai xây dựng hệ thống bảo ôn, tiêu âm xung quanh các trụ điện gió nhằm hạn chế tiếng ồn.
Đồng thời, đề nghị các hộ dân hạn chế việc đi lại lên tỉnh, nhằm đảm an toàn, không ảnh hưởng đến công việc và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.