Chiều 12-9, tại phiên họp 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8-2024.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng thông tin thêm về một số nội dung được đề cập tại báo cáo công tác Dân nguyện, trong đó có công tác ứng phó, khắc phục sạt lở đất do hậu quả của cơn bão số 3.
Bám trụ tại những nơi ‘nóng’ nhất
Theo ông Lê Quốc Hùng, trước trong và sau khi cơn bão số 3 đổ bộ, Bộ Công an đã có 5 công điện chỉ đạo công an các địa phương kịp thời ứng phó với bão lũ, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là kịp thời cứu hộ, cứu nạn.
Bộ cũng đã kịp thời báo cáo, đề xuất Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính xuất cấp 1.000 tấn gạo dự trữ quốc gia, giao trực tiếp cho Bộ Công an vận chuyển đến các vùng sâu, xa, bị cô lập và những nơi nhân dân thiếu lương thực để đưa đến từng hộ gia đình.
Ông Lê Quốc Hùng cũng cho biết các lực lượng của Bộ Công an như cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông đã tăng cường cho vùng, khu vực trọng điểm để cứu hộ, cứu nạn.
Bộ đã huy động hàng chục nghìn cán bộ chiến sĩ công an 4 cấp tập trung cho công tác di dời người dân; triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu người bị thương; cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân,
Đồng thời, tổ chức hướng dẫn an toàn giao thông, đưa các cây đổ, giải phóng nhanh ách tắc giao thông…
“Hiện nay, lực lượng công an các cấp đang bám trụ tại những nơi ‘nóng’ nhất để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn”- Thứ trưởng Bộ Công an nói.
Đặc biệt, công an địa phương, cơ sở đã tiếp cận những nơi vùng sâu, xa, nơi sạt lở đất đang có nhiều người mất tích, kịp thời phối hợp cùng các lực lượng khác cứu hộ, cứu nạn người dân.
Đề nghị tổng điều tra toàn quốc các cơ sở trợ giúp xã hội tự phát
Liên quan đến tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan xâm hại, bạo hành trẻ em, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng đánh giá gần đây, các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng trong các gia đình bố mẹ ly hôn, ly thân, tái hôn, hoặc gia đình trong thời gian dài không có bố mẹ chăm sóc, trẻ được gửi cho người thân, người quen.
Một địa phương xảy ra nhiều vụ được điểm tên, như: Hà Nội, Thái Bình, TP.HCM, Đồng Nai, Cần Thơ, Lâm Đồng, Đắk Lắk.
Thông tin thêm về vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng TP.HCM, ông Lê Quốc Hùng cho biết sau khi nhận được tin, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP.HCM, trực tiếp là công an Quận 12 kịp thời vào cuộc.
Hiện nay, công an Quận 12 đã thụ lý, xử lý tin báo tố giác tội phạm theo thẩm quyền. “Khi có kết quả, chúng tôi sẽ thông tin cho dư luận”- ông Hùng nói.
Cũng theo ông Lê Quốc Hùng, Bộ Công an đã có công điện chỉ đạo công an 63 tỉnh, thành và đề nghị Sở LĐ-TB&XH các địa phương khẩn trương rà soát, nắm tình hình hoạt động các cơ sở trợ giúp xã hội, nuôi dưỡng chăm sóc trẻ em, kể cả công lập và ngoài công lập.
Các cơ sở trông giữ trẻ em từ thiện, tự phát trên địa bàn là đối tượng được đặc biệt lưu ý lần này.
Tại Công điện, Bộ Công an cũng lưu ý thực hiện nghiêm xử lý tin báo tố giác tội phạm liên quan các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em; chú trọng các nguồn tin báo tố giác tội phạm từ các cơ quan báo chí, người dân, cơ quan tổ chức để xác minh, điều tra kịp thời.
Bộ Công an cũng yêu cầu thông tin kịp thời kết quả đến các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là thông tin truyền thông ở cơ sở về thủ đoạn các loại tội phạm này, qua đó nâng cao phòng ngừa, đấu tranh tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em.
Theo thống kê, số cơ sở trợ giúp xã hội công lập, ngoài công lập đã được cấp phép trên toàn quốc là 425 cơ sở. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng số liệu này còn rất ít so với thực tế.
“Rất nhiều cơ sở tự phát, từ thiện, tôn giáo tự nhận nuôi dưỡng trẻ em theo diện từ thiện chưa được cấp phép. Số lượng này lớn, địa phương chưa nắm được, chưa có cơ chế kiểm soát, kiểm tra”- Thứ trưởng Bộ Công an nói.
Ông Hùng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH chủ trì cùng các bộ, ngành địa phương tổng điều tra toàn quốc về các cơ sở này, để nắm và tổ chức kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn ngừa hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em.
Theo số liệu của Bộ Công an, 8 tháng đầu năm 2024, toàn quốc đã khởi tố, điều tra 1.198 vụ, với 1.419 bị can liên quan đến hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em. Cơ quan chức năng cũng đã xử lý hành chính 48 vụ, 125 đối tượng.
Đáng chú ý, hành vi bạo hành trẻ em chiếm khoảng 12,4%, còn lại là xâm hại.
Trong các vụ bạo hành và xâm hại trẻ em nêu trên, đáng báo động hiện nay, 60% các vụ bạo hành, xâm hại do chính người thân, người quen trong gia đình hoặc có mối quan hệ, mâu thuẫn cá nhân gây ra. Trong đó có 128 vụ dùng mạng xã hội để làm quen, xâm hại trẻ em.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết Quốc hội khóa XIV đã có cuộc giám sát tối cao về tình hình xâm hại trẻ em và có nghị quyết rất chi tiết. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Nga, đến nay “thỉnh thoảng” vẫn xảy ra những vụ bạo hành trẻ em.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp sau đó đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Văn hóa- Giáo dục giám sát lại nghị quyết của Quốc hội về giám sát tình hình xâm hại trẻ em, để báo cáo Quốc hội.