Ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, hệ thống hang động núi lửa này được phát hiện chủ yếu ở huyện Krông Nô có chiều dài khoảng 25km, kéo dài từ miệng núi lửa tại buôn Choar dọc theo chiều dài sông Sêrêpốc đến khu vực thác Dray Sáp với hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau.
Trong đó, hang động lớn nhất có chiều dài 1.066m, bên trong rộng hàng nghìn mét, có cấu trúc rất độc đáo và đặc trưng của hang động núi lửa với dòng dung nham phun ngược, tạo nên một cảnh quan kỳ vĩ. Hang động này nằm trong rừng sâu, chưa ghi nhận dấu vết của con người nhưng có nhiều loài vật sinh sống…
“Quá trình khảo sát được thực hiện bằng nhiều chuyến thực địa ngắn ngày. Kết quả bước đầu cho thấy, liên quan tới núi lửa Chư B’Luck, xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông có hàng chục hang động trong đá bazan rất độc đáo. Hiện tại, đã khảo sát chi tiết được 3 hang động (ký hiệu: C7, C3, A1). Trong đó, hang động C7 là hang núi lửa dạng ống có chiều dài lớn nhất Đông Nam Á (1.066m). Trong hang đã phát hiện được nhiều cấu trúc đặc trưng cho quá trình phun trào như các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt, các di tích thực vật được hình thành cách đây hàng triệu năm” – ông Thuấn cho biết.
Bên cạnh các hang động, các nhà nghiên cứu của Tổng cục Địa chất-Khoáng sản và Hội hang động Nhật Bản còn phát hiện nhiều miệng núi lửa rất đẹp. Hiện, các nhà khoa học đã đo chi tiết được ba hang động. Ngoài ra còn hàng chục hang động khác chưa được nghiên cứu kỹ.
Theo các nhà khoa học, so với một số hang động đá vôi và hang động núi lửa nổi tiếng ở một số nước trên thế giới thì hệ thống hang động núi lửa ở khu vực Tây Nguyên còn rộng lớn và hấp dẫn hơn nhiều. Hang động này cũng đã được Hội hang động Nhật Bản đánh giá cao giá trị về mặt khoa học, du lịch...
Theo các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản, cấu trúc hệ thống hang động này là kết quả hoạt động của các hệ thống đứt gãy kiến tạo, hình thành kênh dẫn cho dung nham magma từ dưới sâu đưa lên, hình thành các thể magma xâm nhập và phun trào basalt. Các yếu tố này ảnh hưởng tới hình thái, địa hình của khu vực, tạo nên những cảnh quan, thác nước ngoạn mục.
Hệ thống hang động mới phát hiện đã hội tụ đủ điều kiện để xây dựng công viên địa chất (CVĐC) quốc gia, tiến tới lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu. Việc xác lập danh hiệu CVĐC toàn cầu là cơ sở để đẩy mạnh hoạt động du lịch, phát triển kinh tế – xã hội, bảo tồn lâu dài các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa cho các thế hệ tương lai.
Tại Việt Nam, cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đã được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu vào ngày 3/1/10/2010, tái công nhận ngày 23/9/2014.
Tuy nhiên, các hang động phát hiện trong thời gian qua là hang động đá vôi. Riêng hang động núi lửa trong đá bazan vừa được phát hiện ở Tây Nguyên là một hệ thống hang động hiếm gặp, gồm hàng chục hang động và miệng núi lửa hình thành từ quá trình phun trào dung nham cách đây hàng triệu năm.
Từ đề tài “Nghiên cứu di sản địa chất để xây dựng công viên địa chất và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện CưJut, tỉnh Đắk Nông, Việt Nam” Bảo tàng Địa chất, cơ quan trực thuộc Tổng cục thực hiện, đã phát hiện, khảo sát và nghiên cứu hang động núi lửa trong đá bazan ở xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Theo kết quả trên, các nhà khoa học Nhật Bản do Tiến sỹ Hiroshi Tachihara Chủ tịch danh dự Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản và người kế nhiệm, Tiến sỹ Tsutomu Honda dẫn đầu đã đến Việt Nam cùng hợp tác nghiên cứu, khảo sát.
Theo Phạm Thanh (Dân trí)