Hiện nay thu nhập của phần lớn người dân rất thấp. Cho nên việc đề xuất giá vé tăng cao như báo chí đã đưa được coi là không hợp lý và hoàn toàn bất công. Chưa kể các hãng hàng không thua lỗ lại bắt phần lớn người dân phải gánh chịu.
Không thể tách riêng
Việc hét giá tăng cao là đòn tâm lý của các hãng hàng không. Họ đề xuất giá vé sẽ tăng 1,5 lần, tức giá vé một chiều chặng Hà Nội - TP.HCM sẽ ở mức 4-5 triệu đồng/chặng nhưng dù kết quả sau đó tăng bao nhiêu cũng đã là thành công rồi. Với tình hình như hiện nay sẽ không có chuyện mức trần giá vé máy bay tăng cao như các hãng đề xuất. Tuy nhiên, việc đề xuất giá tăng cao như vừa qua sẽ gây tâm lý bất ổn. Người dân đổ xô vào mua vé tết vì sợ hết vé và giá sẽ còn tăng cao.
Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) lý giải việc tăng giá vé nhằm để bù lỗ cho các đường bay nội địa đang lỗ nặng vì bị khống chế giá trần. Tuy nhiên, cần phải nhận thấy VNA còn có nhiều đường bay quốc tế sinh lãi. Đáng lẽ ra VNA cần phải lấy lợi nhuận của đường bay quốc tế bù đắp cho thua lỗ của đường bay trong nước. Chưa kể, do điều kiện lịch sử, hiện nay VNA nắm phần lớn dịch vụ xăng dầu, dịch vụ mặt đất, vận chuyển, ăn uống… trong hàng không.
Theo tôi được biết thì hầu hết các công ty thành viên này đều đang kinh doanh có lãi. Vậy thì VNA phải điều tiết lỗ lãi từ các công ty con với nhau chứ không thể tách bạch riêng lẻ từng công đoạn để rồi có đề xuất giá vé quá cao như vừa qua.
Chưa kể vừa qua VNA đã mua nhiều máy bay, mở thêm nhiều đường bay mà tôi cho là không hợp lý. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh của VNA không hiệu quả.
Mức tăng của giá vé máy bay cần phải phù hợp với đại đa số người dân. Ảnh: Q.TRUNG
Tàu hỏa, ô tô sẽ té nước theo mưa
Sự tăng giá quá cao của ngành hàng không xét trên bình diện chung sẽ không tốt cho cả nền kinh tế. Giá vé quá cao sẽ không thể thúc đẩy phát triển du lịch, văn hóa xã hội, khó có thể thu hút đầu tư. Đây chính là lý do tại sao khách du lịch trong nước chọn tour nước ngoài thay vì chọn tour trong nước. Điều này dẫn tới Nhà nước, doanh nghiệp trong nước bị thất thu.
Nước ngoài xem hàng không là một bộ phận không thể tách rời và có sự gắn kết vô cùng chặt chẽ với các ngành kinh tế, nhất là du lịch. Thậm chí doanh nghiệp du lịch còn hỗ trợ hàng không để giảm giá vé nhằm lôi kéo hành khách đến tham quan. Cho nên trước đề xuất tăng giá vé này, cơ quan chuyên trách cần phải có cái nhìn toàn cục. Phát triển, hỗ trợ ngành hàng không là cần thiết nhưng không thể tăng giá vé quá cao để từ đó tác động xấu đến đại đa số người dân và các ngành khác.
Nếu hàng không tăng giá thì tàu hỏa, ô tô… cũng không ngại ngần gì trong việc tăng giá. Từ đó giá hàng hóa sẽ tăng theo do giá vận chuyển tăng. Khi mọi thứ đều tăng giá thì cố gắng chống lạm phát của Nhà nước đang thực hiện như trong thời gian qua khó có thể thực hiện được.
MAI TRỌNG TUẤN, cựu phi công
QT ghi
Nhiều công ty con của VNA lãi lớn VNA cho hay trong sáu tháng đầu năm nay, chi phí của hãng đã tăng thêm 1.534 tỉ đồng so với kế hoạch do xăng dầu, tỉ giá biến động. Tuy nhiên, khác với Jetstar Pacific, Mekong Air, lợi nhuận chủ yếu thu từ hoạt động bay thì lợi thế của VNA đang nắm giữ 22 công ty con, thành viên chi phối phần lớn hoạt động kinh doanh, dịch vụ của ngành hàng không trong nước. Số liệu cho thấy hầu hết công ty thành viên của VNA lãi khá lớn. Điển hình như Công ty Xăng dầu Hàng không VN lãi trước thuế trong năm 2010 đạt 105,5 tỉ đồng; dự kiến năm 2011 lãi 115 tỉ đồng. Công ty CP Suất ăn hàng không Nội Bài lãi 55 tỉ đồng trong năm 2010; dự kiến lãi 50 tỉ đồng trong năm 2011. Công ty CP Dịch vụ hàng không Sân bay Nội Bài lãi 30 tỉ đồng trong năm 2010. Công ty Bảo hiểm Hàng không lãi 45 tỉ đồng trong năm 2010... Du lịch bị ảnh hưởng Từ đầu năm đến nay, khách du lịch mua tour trọn gói đi du lịch trong nước phải trả thêm từ 15% đến 25% giá tiền của tour. Theo báo cáo, giá vé máy bay, giá dịch vụ ăn uống tăng trong thời gian qua đã tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp du lịch. Trong thời điểm này, các chương trình khuyến mãi vé máy bay cho khách du lịch trong nước cũng không còn nhiều như trước nên giá tour trọn gói cho khách đã tăng lên. Theo báo cáo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP.HCM 35% là lượng khách du lịch giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là khách đi bằng máy bay. Trước đây giá tour chỉ hơi tăng vào dịp lễ, nay tăng đều đặn do chi phí các dịch vụ đều đội lên. Ông TRẦN THẾ DŨNG, Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ |