Chi cục Thuỷ sản thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định vừa đề nghị chính quyền địa phương xử lý các trường hợp nuôi trồng thuỷ sản lồng bè tự phát dọc ven đầm Đề Gi và khu vực dưới chân cầu Đề Gi.
Hàng loạt lồng bè nuôi trồng tự phát
Ghi nhận của PLO chiều 12-6, tại khu vực dưới chân cầu Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định có hàng loạt bè nuôi trồng thuỷ sản trái phép nối tiếp nhau. Không những thế, dọc đầm Đề Gi qua xã Cát Minh cũng xuất hiện nhiều lồng nuôi trồng thuỷ sản.
Theo tìm hiểu cho thấy, các hộ dân sử dụng lồng bè để nuôi cá, nuôi hàu là chủ yếu.
Hàng chục trường hợp nuôi trồng thuỷ sản tự phát dưới chân cầu Đề Gi. Ảnh: QN |
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết việc các hộ dân nuôi trồng thuỷ sản lồng bè tự phát trên địa bàn xã bắt đầu từ năm ngoái đến nay.
Ban đầu, chỉ có sáu trường hợp, nhưng đến nay có khoảng 20 trường hợp nuôi trồng thuỷ sản tự phát tại khu vực đầm và dưới chân cầu Đề Gi.
“Do trong năm 2022, việc đánh bắt của người dân gặp khó khăn, do đó một số người đã chuyển đổi từ đánh bắt sang nuôi trồng thuỷ sản. Việc nuôi trồng thuỷ sản cũng giải quyết được bài toán về kinh tế của các hộ dân, sau khi quá trình đánh bắt gặp một số khó khăn.
Các trường hợp này đều tự phát, chính quyền địa phương đang rà soát cụ thể từng trường để xem nuôi trồng trên diện tích khoảng bao nhiêu, để báo cáo cho UBND huyện” - ông Hiếu cho biết.
Việc người dân tự ý lấn chiếm mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản ở Cát Khánh diễn ra trong hai năm gần đây. Ảnh: QN |
Cũng theo vị này, các hộ dân chủ yếu làm lồng bè để nuôi cá chim, hàu. Ông Hiếu cũng thừa nhận đối với các hộ nuôi hàu thì ít ảnh hưởng đến môi trường, còn đối với các hộ nuôi cá lồng bè thì chắn chắn cũng có gây ô nhiễm môi trường.
Do đó, chính quyền địa phương cũng đang rà soát từng trường hợp, để có báo cáo cụ thể.
Ông Hiếu cho biết thêm sắp tới có chủ trương nạo vét ở khu vực cảng cá Đề Gi, nên việc quy hoạch để các hộ dân nuôi trồng là rất khó. “Sau khi nạo vét xong, thì các cấp có quy hoạch như thế nào đó thì chưa rõ, còn hiện địa phương chỉ rà soát và báo cáo cho cấp có thẩm quyền” - ông Hiếu nói.
Dọc bờ xuất hiện nhiều lồng bè nuôi cá, nuôi hàu tự phát. Ảnh: QN |
Đối với thông tin có một trường hợp lấn chiếm mặt nước để đặt lồng bè rồi sang nhượng lại cho một số trường hợp khác, lãnh đạo địa phương phủ nhận việc này.
“Trước đó, chúng tôi cũng nghe thông tin, nhưng đi kiểm tra thì không phải như vậy, chỉ có trường hợp một số người làm trước nhưng sau đó không làm nữa nên bán lại phương tiện cho người sau làm” - ông Hiếu nói.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết đối với việc người dân nuôi trồng thuỷ sản tự phát ở khu vực đầm Đề Gi và dưới chân cầu Đề Gi, UBND huyện đã giao cho Phòng TN&MT phối hợp chính quyền địa phương xã Cát Khánh, Cát Minh rà soát từng trường hợp và báo cáo cho UBND huyện.
“Hiện người dân cũng nêu nhiều khó khăn trong việc đánh bắt thuỷ sản, nên chuyển qua nuôi trồng thuỷ sản tự phát ở địa bàn các xã Cát Khánh, Cát Minh. UBND huyện cũng chỉ đạo chính quyền cấp xã rà soát, báo cáo cụ thể để có cơ sở làm việc với phía Chi cục Thuỷ sản về việc này” - ông Hưng nói.
Cam kết tự tháo dỡ
Tương tự, theo tìm hiểu của PV, tại khu vực này còn có hàng chục trường hợp tự ý lấn chiếm diện tích mặt nước ở dọc ven đầm Đề Gi và dưới chân cầu Đề Gi để nuôi trồng thuỷ sản. Hiện chính quyền địa phương đã rà soát thống kê các trường hợp này và báo cáo với phía Chi cục Thuỷ sản để tìm hướng xử lý.
Chính quyền các địa phương đang rà soát, báo cáo cụ thể các trường hợp nuôi trồng thuỷ sản ở khu vực cầu Đề Gi. Ảnh: QN |
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản, cho biết đã có văn bản đề nghị chính quyền địa phương xã Mỹ Thành xử lý các trường hợp nuôi trồng thuỷ sản lồng bè tự phát dọc ven đầm Đề Gi và khu vực cầu Đề Gi, xã Mỹ Thành.
Theo ông Nghĩa, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản là khu vực biển bao gồm khối nước, đáy biển, có ranh giới xác định tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm trở ra để nuôi trồng thủy sản.
Như vậy, phạm vi nuôi trồng thủy sản lồng bè tự phát dọc ven đầm Đề Gi và khu vực cầu Đề Gi, thuộc xã Mỹ Thành không nằm trong khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.
Một lồng bè trái phép tại cầu Đề Gi. Ảnh: QN |
“Việc giao, cho thuê, thu hồi đất để nuôi trồng thủy sản thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, do đó Chi cục Thuỷ sản đề nghị UBND xã Mỹ Thành phối hợp với các cơ quan chức năng về quản lý đất đai của huyện Phù Mỹ để chủ trì xử lý các trường hợp nuôi trồng thủy sản lồng bè tự phát dọc ven đầm Đề Gi và khu vực cầu Đề Gi” - Chi cục đề nghị.
Ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, xác nhận có 58 trường hợp nuôi trồng thuỷ sản tự phát trên khu vực ven đầm Đề Gi và khu vực mặt nước dưới chân cầu Đề Gi.
“Chính quyền địa phương đã lập biên bản đối với tất cả các trường hợp này, các hộ dân cam kết tự tháo dỡ các lồng bè nuôi trồng khi dự án nạo vét ở khu vực này triển khai” - ông Hạnh nói.
Trao đổi với PLO, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết sau khi nhận được thông tin phản ánh của PV, Sở sẽ cho kiểm tra lại đối với các trường hợp này để có hướng xử lý cụ thể.