Hàng loạt xác tàu chiến gần Indonesia biến mất bí ẩn

Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết hai xác tàu biến mất của nước này gồm tàu HNLMS De Ruyter và HNLMS Java. Trong khi đó, một phần của tàu HNLMS Kortenaer cũng “ra đi” không một dấu vết.

Ba tàu này đã bị hải quân Nhật Bản đánh chìm trong một trận hải chiến trên biển Java vào tháng 2-1942. Hơn 2.000 binh sĩ, trong đó có hơn 900 lính Hà Lan, đã thiệt mạng khi quân Đồng minh cố gắng ngăn chặn hải quân Nhật Bản đi qua khu vực Đông Nam Á.

Tàu chiến HMS Exeter của Anh. Ảnh chụp ngày 15-2-1940. Ảnh: AP

Trước khi cuộc chiến đi đến kết thúc, ít nhất năm tàu chiến của quân Đồng minh đã chìm xuống đáy biển, gồm ba tàu của Hà Lan, một tàu của Mỹ và một tàu của Anh, theo trang tinnews.com.au (Úc). 60 năm sau đó, vào năm 2002, các thợ lặn nghiệp dư đã phát hiện xác của những con tàu này vẫn nằm nguyên vẹn dưới đáy biển Java.

Các tàu này đều có kích thước khá lớn. Tàu chiến USS Perch của Mỹ có chiều dài 91 m và nặng 1.370 tấn. Trong khi đó, tàu HNLMS De Ruyter của Hà Lan dài 171 m và nặng 6.650 tấn. Con tàu HMS Exter của Anh thậm chí nặng hơn với 8.520 tấn.

Joss Parsons, một chuyên gia tại Công ty Dịch vụ hàng hải Adent (Mỹ), nói rằng: “Việc các tàu chiến có kích thước như vậy biến mất là chuyện rất bất thường. Đây là tàu chiến chứ không phải những con tàu dài 10 m”. Thông tin về việc mất tích của năm con tàu trên chỉ được tiết lộ vào tuần trước.

Xác của năm tàu chiến này được các thợ lặn phát hiện lần đầu tiên cách đây 15 năm. Tuy nhiên, khi khu vực chìm tàu trên được khảo sát trước thềm tưởng niệm lần thứ 75 ngày diễn ra trận hải chiến trên biển Java, người ta phát hiện chúng đã biến mất không một dấu vết. Những gì còn sót lại là các lõm cát do các tàu chìm để lại.

Chính phủ Hà Lan đã khởi động một cuộc điều tra nhằm tìm ra bí ẩn này. Bộ Quốc phòng Hà Lan cũng xác nhận vụ biến mất của các tàu chiến trên, thứ vốn được xem là “mồ mả chiến tranh”. “Việc xúc phạm mồ mả chiến tranh là hành động nghiêm trọng”.

Tàu USS Perch của Mỹ là một trong năm xác tàu biến mất khỏi đáy biển Java. Ảnh: GETTY

Các nhà chức trách nghi ngờ rằng các xác tàu chiến này đã bị những “kẻ trộm” khai thác trái phép để lấy sắt, nhôm và đồng. Chúng có thể đã lặn xuống các xác tàu và đánh cắp các đồ đạc, máy móc và cả phần thân rỉ sét của con tàu. Các kim loại thu về có thể được nấu chảy và sau đó dùng cho nhiều mục đích.

Tuy nhiên, thậm chí trong một vùng nước cạn, việc lặn xuống xác các tàu chiến vẫn là một thử thách đầy nguy hiểm. Các chuyên gia cho rằng những “tên trộm” phải mất nhiều năm mới có thể lấy được hết những xác tàu đắm ra khỏi đáy biển Java.

Theo AFP, một trong những vấn đề lên quan đến vụ biến mất của các xác tàu là câu hỏi ai chịu trách nhiệm cho vụ này, chủ nhân các tàu này hay các nước nơi các tàu trên tọa lạc. Phía Indonesia cho rằng họ không có trách nhiệm trong vụ việc trên.

“Chính phủ Hà Lan không thể đổ lỗi cho Indonesia bởi họ chưa từng yêu cầu chúng tôi bảo vệ những xác tàu đó. Không hề có một tuyên bố hay thỏa thuận nào về vấn đề này” - ông Bambang Budi Utomo, người đứng đầu Trung tâm khảo cổ quốc gia Indonesia, nói.

Indonesia cho biết nước này không biết làm gì hơn ngoài việc đồng cảm với các quốc gia trên. “Hải quân Indonesia không thể giám sát tất cả khu vực một cách liên tục. Nếu họ hỏi tại sao các tàu chiến này biến mất, tôi sẽ đáp lại bằng câu hỏi: Tại sao họ đã không bảo vệ số tàu này?” - người phát ngôn hải quân Indonesia Gig Jonias Mozes Sipasulta trả lời phỏng vấn AFP.

Có khoảng ba triệu xác tàu trên thế giới. Một số tàu này đã chìm do thảm họa thiên nhiên hoặc chiến tranh. Vùng biển quanh Indonesia, Singapore và Malaysia là nơi đã có hơn 100 tàu chiến và tàu ngầm bị đánh chìm trong suốt Thế chiến 2.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới