Thông tin trên được nêu ra tại buổi họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm, tổ chức ngày 3-1, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì.
Theo báo cáo tại buổi họp, trong năm 2023, công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể, hạn chế dàn trải, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều vi phạm.
Theo đó, ngành Y tế kiểm tra hơn 382.000 cơ sở, phát hiện 34.500 cơ sở vi phạm, trong đó xử lý 14.100 cơ sở, số tiền phạt khoảng 44,4 tỉ đồng; Ngành Nông nghiệp thanh tra hơn 19.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hơn 1.600 cơ sở với số tiền 14,4 tỉ đồng; Ngành Công thương kiểm tra hơn 8.300 vụ, xử lý hơn 6.770 vụ việc vi phạm, phạt 36,3 tỉ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu là 31,6 tỉ đồng; Lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện, xử lý hơn 7.100 vụ, tổng số tiền phạt là hơn 31 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm cũng được đánh giá tích cực, tăng cường liên tục về số lượng, đa dạng hóa các hình thức. Ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh được nâng lên. Việc kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc giảm so với trước.
Năm 2023, cả nước ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến hơn 2.100 người ngộ độc và 28 trường hợp tử vong, đáng chú ý đã xuất hiện ngộ độc do clostridium botulinum - một độc tố rất hiếm gặp.
Báo cáo tại buổi họp cũng chỉ ra vẫn còn một số hạn chế liên quan đến quản lý an toàn thực phẩm. Cụ thể, sau 13 năm thực hiện, nhiều nội dung quy định của Luật An toàn thực phẩm không còn phù hợp, một số quy định còn nhiều điều bất cập về kiểm soát thực phẩm xuất khẩu, đăng ký bản công bố, điều kiện về an toàn thực phẩm tại các chợ và làng nghề. Việc quản lý, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm trên môi trường internet, thương mại điện tử còn khó khăn.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá tình hình an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, đáng báo động. Nhiều hình thức sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, quảng cáo thực phẩm mới xuất hiện rất phức tạp, đa dạng, đặt ra yêu cầu mới đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm của các bộ, ngành, địa phương.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần đổi mới phương thức, hình thức truyền thông thường xuyên, nhằm thay đổi nhận thức của tất cả các bên về kiến thức an toàn thực phẩm.
Mỗi bộ, ngành phải tăng cường quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị, phát huy tinh thần tự chịu trách nhiệm; tập trung thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực gây ảnh hưởng tác động lớn đến sức khoẻ; chủ động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn tiếp cận, hài hoà với quốc tế.
“Các bộ, ngành cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đăng ký công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm, cũng như tiếp nhận thông tin phản ánh từ sự giám sát của các tổ chức và người dân đối với việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm” - Phó Thủ tướng nói.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo tiếp tục rà soát, tổng kết việc thực hiện Luật An toàn Thực phẩm năm 2010, các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động về an toàn thực phẩm; cập nhật thực tiễn, phương pháp, mô hình quản lý an toàn thực phẩm hiện đại, thống nhất.
Đồng thời, các bộ, ngành cần tăng cường xử lý đối với các vi phạm an toàn thực phẩm trên các nền tảng thương mại xuyên biên giới, các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước; xây dựng, ban hành quy định về an toàn thực phẩm, môi trường đối với chợ truyền thống, siêu thị.