Luật Chăn nuôi 2018 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 với nhiều quy định liên quan đến đối xử nhân đạo với vật nuôi. Kèm theo luật, Bộ NN&PTNT đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo (lần ba) nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực chăn nuôi.
Tại dự thảo này, các hành vi đối xử không nhân đạo với vật nuôi đã được quy định cụ thể về mức xử phạt.
Bỏ đói vật nuôi sẽ bị phạt
Tại Điều 29 về vi phạm các quy định về hoạt động chăn nuôi của dự thảo nêu rõ: Đối với các trường hợp sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi không phù hợp, gây chấn thương cho vật nuôi; không có biện pháp để giảm đau cho hươu sau khi thực hiện cắt nhung sẽ bị phạt tiền 2-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm trên.
Điều 29 cũng quy định phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung nếu có một trong các hành vi vi phạm: Không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ; gây đau đớn, đánh đập, hành hạ vật nuôi trước khi giết mổ; không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ.
Đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi như đâm, chém vật nuôi để mua vui; treo, bỏ đói vật nuôi cho đến chết... sẽ bị phạt tiền 5-7 triệu đồng.
Đây là lần đầu tiên nước ta có quy định chế tài cụ thể cho hành vi đối xử không nhân đạo với vật nuôi. Ảnh minh họa: HỮU ĐĂNG
Lý do cần đối xử nhân đạo với vật nuôi
Có thể nói đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa vào luật quy định chi tiết về việc đối xử nhân đạo với vật nuôi, từ khâu nuôi nhốt, vận chuyển đến giết mổ.
Trước đó, trong Luật Thú y cũng đã quy định về quy trình giết mổ vật nuôi, tuy nhiên những quy định về tính nhân đạo lại không được quy định chi tiết như Luật Chăn nuôi 2018.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, cho biết quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi là hành lang pháp lý quan trọng để triển khai luật đi vào cuộc sống và thực tiễn sản xuất.
“Ngoài thị trường trong nước, chúng ta còn hướng tới xuất khẩu, như hiện đang xuất khẩu sữa, yến, mật ong, thức ăn chăn nuôi, thịt heo mảnh, gia cầm... Tất cả những hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký cũng phải tuân thủ quy định về phúc lợi động vật. Do đó, ngay từ bây giờ nếu ta không đáp ứng được yếu tố phúc lợi động vật thì cũng không thể xuất khẩu được” - ông Chinh cho biết.
Ông Tống Xuân Chinh cho biết ở Việt Nam, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã và đang xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ra thị trường thế giới đều đã thực thi vấn đề phúc lợi với vật nuôi để đáp ứng yêu cầu thị trường của nước xuất đến.
“Ví dụ như Công ty Sữa Vinamilk, Mộc Châu, TH... là những doanh nghiệp điển hình trong việc tuân thủ những vấn đề liên quan đến phúc lợi động vật” - ông Chinh nói.
Về mức xử phạt hành chính 2-7 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm, đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa vào luật quy định chi tiết về đối xử nhân đạo với vật nuôi. Do vậy, ở giai đoạn ban đầu mức xử phạt không nên nặng quá để người dân dần làm quen, đồng thời cũng để tương thích với các quy định khác.
“Đây là vấn đề còn chưa phổ biến ở Việt Nam, nếu không nói là còn khá mới mẻ. Do đó, khi triển khai vấn đề này có thể sẽ gặp những vướng mắc. Nhưng nếu cứ e sợ không làm thì chẳng khi nào chúng ta làm được. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp vướng mắc chỗ nào thì chúng ta sẽ điều chỉnh chỗ đó” - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh chia sẻ.
Vật nuôi chết trong đau đớn sẽ tiết ra nhiều độc tố Trong chăn nuôi, nếu vật nuôi được nuôi trong điều kiện tốt nhất thì con người cũng nhận được thứ thực phẩm từ vật nuôi này cung cấp có chất lượng nhất, ngon nhất. Bởi về mặt khoa học, nếu con vật chết trong đau đớn thì nó sẽ tiết ra nhiều độc tố trong cơ thể, gây hại cho sức khỏe người tiêu thụ nó… Về cơ bản, việc giết mổ vật nuôi của chúng ta chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về phúc lợi vật nuôi, như tình trạng bơm nước, dùng búa đập cho vật nuôi đến chết, hay vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ. Chúng ta thiếu biện pháp về gây chết, như các nước có những biện pháp gây chết tức thì để vật nuôi không bị đau đớn như gây ngạt tức thì, dùng điện tức thì. Biện pháp này khiến cho vật nuôi chết lâm sàng, không đau đớn khi bị giết mổ, không ảnh hưởng đến chất lượng thịt. Ông NGUYỄN XUÂN DƯƠNG, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi |