Từ tháng 1-2020, hàng loạt văn bản có hiệu lực tác động đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Pháp Luật TP.HCM tổng hợp lại một số chính sách quan trọng mà người dân đáng chú ý trong năm 2020.
Cấm lái xe khi uống rượu bia
Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định nhiều hành vi cấm như: Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia; cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia; cấm bán, cung cấp rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi… Một điều cấm đáng chú ý nữa là cấm cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên uống rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ.
Cũng từ 1-1-2020, Nghị định 100/2019 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt cũng có hiệu lực. Theo đó, mức phạt cho hành vi vi phạm về nồng độ cồn đã được điều chỉnh tăng lên rất nhiều lần so với quy định cũ.
Cụ thể, mức phạt cao nhất đối với ô tô vi phạm nồng độ cồn là từ 30 triệu đến 40 triệu đồng, tước GPLX 22-24 tháng. Còn đối với xe máy phạt tiền 6-8 triệu đồng, tước GPLX 22-24 tháng.
Từ quy định trên, nhiều người đã hạn chế hoặc bỏ dần thói quen uống rượu bia rồi lái xe. Nhiều người đã hình thành thói quen khi đã có bia rượu trong người thì gọi dịch vụ xe công nghệ chở về, tuyệt đối không lái xe.
TP.HCM khuyến khích người dân không ăn thịt chó
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đưa ra khuyến cáo người dân không nên ăn thịt chó vì lo sợ tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Theo Ban quản lý an toàn thực phẩm, sử dụng thịt chó tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe do quá trình nuôi, giết mổ không được cơ quan nhà nước kiểm dịch, kiểm soát. Điều đó dẫn đến sử dụng thịt chó không an toàn dễ có nguy cơ nhiễm các vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt virus gây bệnh dại.
Bên cạnh đó, chó là vật nuôi được thuần hóa và gắn bó với cuộc sống của con người từ rất lâu, mặc dù pháp luật không cấm sử dụng thịt chó nhưng cũng không đưa loài chó vào danh mục vật nuôi để giết thịt làm thực phẩm.
Thực tế cho thấy lượng tiêu thụ thịt chó trên địa bàn ngày càng giảm đáng kể, điều đó cho thấy nhận thức và thói quen tiêu dùng của người dân đã dần thay đổi theo hướng tích cực.
Cấm công ty tài chính gọi điện người thân khách hàng để đòi nợ
Thông tư 18/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi Thông tư 43/2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính cũng có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.
Theo đó, Thông tư 18 siết chặt hơn các quy định đối với công ty tài chính trong việc thúc giục đòi nợ khách hàng.
Ngoài việc yêu cầu các công ty này không được sử dụng biện pháp đe dọa đối với khách hàng; không nhắc nợ trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ như trước đây thì các công ty tài chính còn bị buộc không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ như người thân của khách hàng.
Như vậy, vấn đề gây bức xúc xã hội lâu nay là nhiều người không vay cũng bị đòi nợ nay đã được giải quyết triệt để.
Vật nuôi phải được đối xử nhân đạo
Luật Chăn nuôi năm 2018 cũng chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Đáng chú ý, một điểm mới trong Luật Chăn nuôi lần này là phải đối xử nhân đạo với vật nuôi.
Theo đó, tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Ngoài ra, cơ sở giết mổ vật nuôi trước khi giết mổ phải hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi; phải có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.
Đây là quy định mang tính nhân văn, đã được các cơ sở kinh doanh lớn áp dụng từ lâu để tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, việc này chưa được thực hiện đại trà ở các cơ sở nhỏ lẻ.