Sáng nay, 26-12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2019”.
Tổng quát, báo cáo này cho hay năm 2019 số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ít hơn so với các năm trước đó. Tính đến hết tháng 11-2019, mới chỉ có 267 thông tư, 91 nghị định được ban hành… thấp hơn nhiều so với những năm trước đó.
“Số lượng văn bản giảm không đồng nghĩa với việc khối lượng công việc xây dựng pháp luật của các bộ, ngành giảm” - ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho hay.
Theo ông Tuấn, Hiến pháp 2013 đã quy định: "Mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm". Vì thế, cơ chế “chọn bỏ” đã được thay thế cho cơ chế “chọn bỏ”. Có nghĩa là các văn bản chỉ liệt kê những hoạt động mà doanh nghiệp bị cấm kinh doanh, chứ không còn liệt kê những hoạt động mà doanh nghiệp được kinh doanh.
Ông Đậu Anh Tuấn nói rằng năm 2019 số lượng văn bản pháp luật ban hành ít nhưng không đồng nghĩa là công tác xây dựng pháp luật của các bộ, ngành giảm. Ảnh: CHÂN LUẬN
Tuy nhiên, năm 2019 vẫn tồn tại một số quy định mang tính "chọn cho" được xây dựng và ban hành. Chẳng hạn đầu năm 2019, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 02/2019 về Danh mục thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt Nam.
Thông tư này vẫn sử dụng phương pháp "chọn cho", tức là người dân và doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những loại thức ăn chăn nuôi có trong danh mục. Điều này vừa không phù hợp với Hiến pháp, vừa không hợp lý.
“Phương pháp quản lý này sẽ dẫn đến nguy cơ cơ quan nhà nước chỉ cần "quên" hoặc không biết đến một loại thức ăn chăn nuôi theo tập quán nào đó là người dân và doanh nghiệp không được phép kinh doanh loại hàng hóa đó.
Thực tế, Thông tư 02/2019 đã bỏ quên khá nhiều loại thức ăn chăn nuôi theo truyền thống mà người dân hay sử dụng như bèo tây, cây chuối... dẫn đến lo ngại là liệu việc người dân sử dụng, buôn bán các loại thức ăn chăn nuôi này có phải là bất hợp pháp” - ông Tuấn phân tích.
Mặt khác, phương pháp này còn có thể gây cản trở tự do sáng tạo, sáng kiến của người dân và doanh nghiệp. Ví dụ như khi người dân phát hiện ra một loại thức ăn chăn nuôi mới thì sẽ không được phép đưa vào kinh doanh.
Tương tự như vậy, Thông tư 01/2018 của bộ này Danh mục giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam cũng “bỏ quên” một số loài động vật mà hiện nay người nông dân vẫn đang nuôi và kinh doanh giống như trùn quế. Thậm chí, theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi thì việc kinh doanh giống vật nuôi không có trong danh mục có thể bị xử phạt 40-50 triệu đồng.
“Như vậy, việc rất nhiều cá nhân đang bán giống trùn quế hiện nay là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt” - ông Tuấn nói.
Một chuyên gia của VCCI cho hay quy định về danh mục thức ăn chăn nuôi đã được sửa đổi đã được sửa đổi theo hướng công nhận tất cả loại thức ăn có nguồn gốc từ động vật, thực vật, thậm chí là cả thức ăn có nguồn gốc vi sinh vật. Còn quy định về danh mục vật nuôi trong đó bỏ quên “trùn quế” vẫn chưa được sửa đổi.