Hành khách ‘thờ ơ' với xe buýt sân bay Tân Sơn Nhất
Từ trung tâm thành phố, người dân có thể chọn nhiều tuyến xe buýt chất lượng cao để đến sân bay TSN và ngược lại.
Hiện tại, có nhiều các tuyến xe buýt vận chuyển hành khách đến sân bay TSN như :109 (lộ trình công viên 23/9 – sân bay TSN), 119 (lộ trình sân bay TSN – Bến xe miền Tây), 49 (lộ trình sân bay TSN – quận 1) và 152 (lộ trình khu dân cư Trung Sơn – sân bay TSN). Giá của các tuyến xe này là 12.000 đồng/lượt (với lộ trình dưới 5km) và 20.000 đồng/lượt (với lộ trình trên 5km).
Mới đây, tuyến xe buýt chất lượng cao (số 159 chạy tuyến Bến xe Miền Đông – Bến xe An Sương) đã được khai trương với sự hiện diện của Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng. Thời gian hoạt động của xe buýt 159 là từ 5 giờ 30 phút đến 20 giờ 25 phút với tần suất 65 phút/ lượt. Hành khách đi tuyến xe buýt mới này chỉ mất 7.000 đồng/ lượt (lộ trình dưới 9km) và 10.000 đồng/ lượt (lộ trình trên 10km).
Trong các giải pháp đề ra để chống ùn tắc sân bay TSN, lãnh đạo sân bay nhiều lần đề cập đến việc khuyến khích người dân đi xe buýt vào sân bay. Việc tăng thêm tuyến xe buýt chất lượng cao này nhằm góp phần giảm tải áp lực hành khách đến/đi sân bay.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều hành khách vẫn tỏ ra khá thờ ơ với loại hình vận tải công cộng này. Tại khu vực các làn xe trước ga quốc nội, khu vực làn chờ của xe buýt khá vắng hành khách. Trong khi đó, các khu vực khác (dành cho taxi, xe ô tô cá nhân…) lại rất đông đúc, nhộp nhịp.
Điều đáng nói, khu vực làn xe buýt chỉ cách sảnh của ga quốc nội một khoảng rất gần. Hành khách có thể dễ dàng vận chuyển hành lí qua khu vực vạch kẻ dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, rất ít người lựa chọn loại hình vận tải này. Hành khách đi xe buýt sân bay chủ yếu là sinh viên, người lớn tuổi và du khách người ngoài.
Chị Đào Thảo Nguyên (46 tuổi, vừa bay chuyến bay Hà Nội – TP.HCM) chia sẻ, “Tôi đang chuẩn bị kéo hành lí ra ngoài bắt taxi để trở về nhà. Tôi chưa bao giờ lựa chọn xe buýt. Bởi vì, tôi cảm thấy đi xe buýt về nhà thì không được sang trọng. Ngoài ra, tôi đi xe buýt thì không thể chủ động thời gian và điểm đến như taxi. Đặc biệt, đi xe buýt rất mất thời gian vì thường xuyên xảy ra kẹt xe. Mặc dù, tôi vẫn biết đi xe buýt giá rẻ hơn taxi sân bay rất nhiều nhưng tôi vẫn chấp nhận”.
Cùng ý kiến trên, anh Trần Nam (56 tuổi, ngụ Q. Bình Tân) cho biết: "Trước giờ, tôi và gia đình vẫn có thói quen đón taxi để trở về nhà sau mỗi chuyến bay. Xe buýt không được chúng tôi lựa chọn bởi rất dễ bị kẹt xe và không thể trả khách tận nhà. Bên cạnh đó, vấn đề di chuyển hành lí lên xuống xe buýt cũng khiến chúng tôi không mặn mà với loại phương tiện này”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Vận tải Hành khách công cộng TP.HCM cho biết: “Hiện tại, xe buýt sân bay là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán sắp đến gần.Tuy nhiên, số lượng hành khách sử dụng phương tiện này đến sân bay vẫn chưa lớn.
Trong năm 2017, thành phố sẽ đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống hạ tầng như lắp đặt thêm nhà chờ, trạm dừng, đặc biệt hạ tầng dành riêng cho người khuyết tật. Tiếp tục triển khai việc lắp đặt camera, thiết bị giám sát hành trình, hệ thống rao trạm; công nghệ thông tin, wifi miễn phí… để thu hút hành khách sử dụng xe buýt đến sân bay”.
Hiện tại, có 5 tuyến xe buýt đến/rời sân bay Tân Sơn Nhất để hành khách lựa chọn
Tuy nhiên, hành khách tỏ ra khá "thờ ơ" với loại hình vận tải hành khách công cộng này.
Khu vực làn xe buýt vắng vẻ khác xa với sự nhộn nhịp của sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết
Dù khu vực sảnh ga quốc nội cách không xa khu vực nhà chờ xe buýt nhưng hành khách vẫn không "mặn mà" với loại phương tiện này.
Đa số hành khách đi xe buýt là sinh viên, người già và khách du lịch nước ngoài.