Mở 3 tuyến xe buýt điện tại TP.HCM

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký văn bản chấp thuận chủ trương thực hiện Đề án thí điểm vận hành ba tuyến xe buýt không trợ giá, sử dụng ô tô chạy bằng điện, hoạt động trong phạm vi hạn chế theo đề xuất của Sở GTVT.
Lộ trình cụ thể của ba tuyến xe buýt này là:
Tuyến xe buýt điện số 1 (chạy ở khu trung tâm TP do Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh đảm nhận) có điểm xuất phát từ Công viên 23/9 đi qua các tuyến đường trung tâm như Phạm Ngũ Lão, Công trường Mê Linh, Hai Bà Trưng... và kết thúc ở Thảo cầm viên Sài Gòn và ngược lại. Tuyến này có 11 xe. Lộ trình của tuyến số 1 kết nối các khách sạn ở khu vực trung tâm TP và có mục tiêu: Giới thiệu với du khách trong, ngoài nước những công trình kiến trúc tiêu biểu của TP như tượng đài Trần Hưng Đạo, Thảo Cầm Viên, nhà thờ Đức Bà...
Lộ trình của tuyến số 1 sẽ đi quanh tượng đài Trần Hưng Đạo bên bến Bạch Đằng

Lộ trình của tuyến số 1 sẽ đi quanh tượng đài Trần Hưng Đạo bên bến Bạch Đằng.

Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng giao Sở GTVT phải tổ chức phân luồng giao thông hợp lý tại khu vực trước trụ sở UBND thành phố (giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Thánh Tôn) và các tuyến đường lân cận, không để xảy ra kẹt xe vào giờ cao điểm.

Xe buýt điện sẽ không được đi qua đường Lê Thánh Tôn, trước trụ sở UBND TP và hai bên phố đi bộ Nguyễn Huệ, trước tượng đài Bác Hồ để tránh ùn tắc cho khu vực này.

Tuyến số 2 gồm năm xe (hoạt động ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7 do Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh bất động sản Phố Cảnh đảm nhận hoạt động) có lộ trình xuất phát từ các đường Phạm Văn Nghị, Tân Phú và Hoàng Văn Thái đi qua nhiều tuyến đường ở Phú Mỹ Hưng và quay về các điểm xuất phát.
Tuyến này có mục tiêu phục vụ cư dân trong Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và cũng nhằm kích hoạt đô thị này phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Tuyến số 2 sẽ đi trên một đoạn đại lộ Nguyễn Văn Linh...

... và qua đường Trần Văn Trà, hiện còn nhiều khu đất trống hai bên. Trong ảnh: Cầu Trần Văn Trà trên đường mang tên Thượng tướng.

Tuyến số 3 (hoạt động trên đường Hoàng Sa, dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, do Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn đảm nhận hoạt động) chỉ có ba xe.
Điểm bắt đầu là bến thuyền nội đô tại phường Đakao, quận 1 và điểm cuối là bến thuyền nội đô tại phường 7, quận 3.

Tuyến số 3 nhằm kết nối du lịch đường bộ với du lịch đường sông với các bến thuyền dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Các xe sử dụng trên batuyến buýt điện là loại 12 chỗ ngồi và có thời gian hoạt động từ 5 giờ đến 22 giờ mỗi ngày. Thực tế, ở TP.HCM đã từng xuất hiện ô tô điện chạy trong các bến xe, khu du lịch... nhưng các thủ tục về đăng ký, đăng kiểm chưa được thực hiện...

Ô tô điện chạy trong Bến xe Miền Đông những năm trước 2010.

Do đó, trong lần thí điểm này chủ tịch UBND TP và Sở GTVT yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm thủ tục đăng ký xe, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện, mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, tuyển dụng và bố trí lái xe có giấy phép lái xe từ hạng B2 trở lên và phải tuân thủ theo quy định tại điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Cạnh đó, các chủ đầu tư phải cam kết và thực hiện chỉ tổ chức cho xe buýt điện hoạt động trong phạm vi, tuyến đường và thời gian cho phép, dừng đón, trả khách tại các vị trí điểm dừng dọc lộ trình tuyến, điểm đầu và cuối tuyến theo quy định và đảm bảo an toàn giao thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm