Như tin đã đưa, chuyến bay VJ607 chuyến Cam Ranh - TP.HCM có giờ khởi hành ban đầu là 22 giờ 30 ngày 12-8. Tuy nhiên phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ, tức tới gần 2 giờ ngày hôm sau (13-8) hành khách mới được bay.
Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, đại diện hãng hàng không VietJet Air cho rằng nguyên nhân trễ chuyến trên là do tàu bay đến muộn.
Hành khách vạ vật ở sân bay Cam Ranh, trong khi Vietjet cho rằng họ được phục vụ tận tình. Ảnh: Hành khách cung cấp
Hãng này cũng cho rằng việc trễ chuyến Vietjet đã gửi thông tin qua tin nhắn điện thoại SMS và phát thanh thông báo cho hành khách tại sân bay. Đồng thời tổ chức phục vụ nước uống, đồ ăn cho những hành khách bị ảnh hưởng ngay tại sân bay theo quy định.
Không đồng tình với cách trả lời này, anh L.C, ngụ TP Hồ Chí Minh, khẳng định khi anh ra sân bay mới nhận được tin nhắn trễ chuyến đến 2 giờ ngày hôm sau. Tiếp đó (khoảng 1 tiếng) VietJet Air lại thông báo trễ chuyến đến 1 giờ 15 phút nhưng thực ra đến gần 2 giờ chuyến bay mới được khởi hành.
Anh L.C cho rằng nhiều người bức xúc là VietJet Air không hề giải thích, gửi lời xin lỗi tới khách hàng. Khi hành khách phản ứng yêu cầu gặp đại diện hãng VietJet Air để đối chất cũng không được đáp ứng.
“Thứ Hai là ngày đầu tuần, việc trễ chuyến bay mấy tiếng đồng hồ khiến chuyện học hành, công việc đều bị xáo trộn nên tôi và các hành khách khác rất bức xúc…” - anh C. nói.
Một hành khách khác cũng khẳng định không nhận được bất kỳ sự phục vụ nào như VietJet Air nói. “Chúng tôi vạ vật ở sân bay không một lời xin lỗi nói gì đến nước uống, đồ ăn... VietJet vẫn nói như vậy là xem thường hành khách…”, vị hành khách này nói và cho rằng theo khoản 2 và 3 Điều 7 Thông tư số 27/2017 của Bộ GTVT, quy định bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, tuy nhiên VietJet Air không hề thực hiện.
Cụ thể, trường hợp chậm chuyến, gián đoạn vận chuyển theo kế hoạch 15 phút trở lên so với lịch bay căn cứ, hãng hàng không ngoài trách nhiệm thông báo phải xin lỗi hành khách.
Trường hợp hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng việc vận chuyển bị chậm chuyến, gián đoạn, hủy chuyến, hãng hàng không có trách nhiệm phục vụ hành khách. Cụ thể, chậm từ hai giờ phải phục vụ nước uống; chậm từ ba giờ trở lên phải phục vụ ăn; chậm từ sáu giờ trở lên (từ 7 giờ đến trước 22 giờ) phải bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của cảng hàng không… “Tuy nhiên, những quy định này không thấy hãng thực hiện, ngay cả khi hành khách yêu cầu gay gắt” - một hành khách bức xúc.
7 tháng VietJet Air chậm 12.417 chuyến, hủy 83 chuyến Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam công bố số liệu chậm, hủy chuyến của bốn hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific và Vasco. |