“Nếu mình ở lại thì chỉ phát triển cho riêng mình. Các bạn trẻ sẽ không có cơ hội học hỏi, mãi “lang thang” rồi đi làm giàu cho “hàng xóm”. Ai rồi cũng già, cũng sẽ chết đi mà chẳng lẽ không làm được gì cho chính đất nước mình...”.
Đó là những lời gan ruột của PGS-TS Nguyễn Văn Thuận, bậc thầy về lĩnh vực tái biệt hóa tế bào, người từng làm dậy sóng dư luận những năm 2012, 2013 khi quyết định từ bỏ vị trí giáo sư tại Hàn Quốc để về Việt Nam (VN) làm giảng viên cho Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). Và hiện ông đang là trưởng khoa kiêm trưởng bộ môn Công nghệ sinh học tại trường này.
Sau sáu năm, ngoài được giảng dạy và nghiên cứu, ông đã thu hút đầu tư về cho trường khoảng 2 triệu USD để phát triển công nghệ sinh học. Như mở được một phòng thí nghiệm (LAP) hiện đại bậc nhất, thành lập Trung tâm bảo tồn gen động vật quý hiếm và mở trang trại bò nhân bản vô tính đầu tiên của VN...
“Tụi em ở Hàn Quốc luôn cố gắng học ngày học đêm vì muốn trang bị kiến thức để về xây dựng quê hương. Sinh viên (SV) Hàn Quốc học còn dở hơn tụi em nhưng họ ra trường lại được làm việc rất tốt, còn tụi em tại sao về VN lại không làm việc được?”. Câu nói của cậu SV trong lần gặp gỡ đoàn của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trong lần qua thăm Trường ĐH Konkuk cách đây bảy năm đã thôi thúc ông “phải về”.
Rồi ông tiếp: “Lòng tôi tự nhủ: phải về thôi. Nếu mình ở lại thì mình chỉ phát triển cho riêng mình, các bạn trẻ sẽ không có cơ hội học hỏi. Ai rồi cũng già, rồi sẽ chết đi mà chẳng lẽ không làm được gì cho chính đất nước mình...”.
Rồi ông trăn trở: “Hiện chúng ta đang “cày” để có tiền gửi con em ra nước ngoài học, làm giàu cho “hàng xóm”. Họ thu nhập cao vì mình đã đóng góp cho họ mà tại sao mình không làm cho chính mình. Đó là trách nhiệm của thế hệ đi trước như chúng tôi, khi đã trưởng thành về chuyên môn thì cần tạo nền tảng cơ bản trong nghiên cứu và học thuật tại quê hương để các em phát triển”.
Sau lần gặp gỡ đó, năm 2013, ông quyết định trở về VN để giảng dạy và thực hiện tiếp những nghiên cứu đang dang dở.
Một điều đặc biệt khi nhắc về PGS-TS Thuận mà ai cũng biết là ông có một gia đình “đẹp tuyệt vời”. Bởi người đồng hành trong cuộc sống và công việc từ thời ĐH đến nay không ai khác chính là vợ ông - TS Bùi Hồng Thủy.
Được biết hai người quen nhau từ khi học ĐH năm thứ hai vì học chung ngành, chung trường nhưng TS Thủy dưới hai khóa. Họ yêu nhau tám năm thì cưới và cùng đi du học rồi làm việc cùng nhau ở Nhật, Hàn Quốc cho đến khi cùng trở về VN.
Hiện TS Thủy cũng là giảng viên tại Khoa công nghệ sinh học của Trường ĐH Quốc tế. Do đó, TS Thủy được “đặc cách” làm việc chung phòng với PGS Thuận để cùng hỗ trợ công việc.
Đặc biệt, vợ chồng ông có hai người con và đều thành thạo năm thứ tiếng (Hoa, Hàn, Nhật, Anh, Việt). Hiện người con lớn đã tốt nghiệp ĐH và đi làm về lĩnh vực thời trang. Người con thứ hai đang học tại Trường ĐH Quốc tế và cũng theo kỹ thuật sinh học nhưng để hướng đến làm bác sĩ.
PGS Thuận cho hay hai người cùng làm chung lĩnh vực, cùng đam mê nên hỗ trợ nhau rất nhiều. Khi đi công tác cũng rất thuận lợi vì luôn được đảm bảo công việc cho cả hai và luôn “dư một lương” để lo cho gia đình.
Điều ông thấy trở ngại nhất chính là việc thay đổi nơi làm việc khiến con cái bị ảnh hưởng. Nhưng ông quan niệm “dù đi đâu thì cũng phải đưa gia đình theo, khoảng cách gia đình phải gần nhất”. Do đó, khi hai con còn nhỏ, mỗi lần vợ chồng ông đi công tác ở quốc gia nào cũng đều đưa con theo.
“Chồng báo cáo thì vợ giữ con và ngược lại. Nên nhiều người hay nói là “đi đâu mà thấy xe nôi là biết có thầy Thuận rồi”. Đến khi con lên cấp 2, chúng tôi thay phiên nhau ở nhà lo cho con mỗi khi người kia đi công tác. Nhờ đó, hai con đi đâu cũng thích nghi nhanh, nói các ngoại ngữ như người bản địa, riêng tiếng Việt phải đến khi về VN, chúng mới thành thạo hẳn” - PGS Thuận tự hào nói.
TS Thủy cho biết dù làm chung lĩnh vực, chung một nơi và cùng đam mê nghiên cứu nhưng vợ chồng bà luôn tôn trọng sự độc lập và khoảng riêng của nhau trong công việc. Dù ngày nào PGS Thuận cũng về nhà rất khuya và cuối tuần lại xuống thăm trại bò nhưng miễn thấy vui, khỏe là bà luôn ủng hộ.
“Đến trường thì không nhắc việc nhà và ngược lại. Thậm chí ra khỏi nhà, ba người cùng chung trường ĐH nhưng đi ba ô tô riêng. Ở trường, mình đóng “vai phụ” để chồng toàn tâm cho công việc nghiên cứu, còn mình thì giảng dạy và làm những việc “trợ lý không công” cho chồng. Còn về nhà, mình làm “vai chính” để quán xuyến việc chăm lo con cái học hành, nhà cửa. Từ khi yêu và lấy nhau, mình đã chấp nhận nên “tập luyện” hoài cũng quen.
Từ khi trở về, được thấy cha mẹ còn khỏe mạnh, vui cười là hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi. Thứ hai là con nói được thành thạo tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt. Thứ ba là chúng tôi làm được gì đó cho SV, kể cả những điều nhỏ nhất, như niềm vui của SV lần đầu được đi máy bay ra Hà Nội để báo cáo khoa học, hay có những bài báo quốc tế được đăng...” - TS Thủy tự hào nói.