“Hiệu trưởng quốc dân”, “hiệu trưởng có tâm nhất hệ mặt trời”, những danh xưng ví von nhưng đầy tôn kính mà phụ huynh, sinh viên đặt cho PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chính là người khởi tạo “Góc chia sẻ” khang trang giúp sinh viên (SV) khó khăn, người bỏ tiền túi hoặc trực tiếp kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ học sinh (HS), SV nghèo. Ông cũng là người trực tiếp thực hiện chuỗi “tư vấn xuyên đêm cùng hiệu trưởng”, “tư vấn trà sữa” vào mỗi mùa tuyển sinh ĐH-CĐ thu hút hàng ngàn lượt theo dõi từ phụ huynh, HS...
Nói về ông, về những gì mà ông đã hỗ trợ SV, PGS-TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ: “Dù là trường kỹ thuật nhưng giá trị đầu tiên tôi muốn hướng đến trong triết lý giáo dục của trường là nhân bản rồi mới đến sáng tạo và hội nhập. Tất cả những gì tôi làm xuất phát từ đáy lòng của mình. Mỗi khi gặp gỡ các SV khó khăn hay đi tỉnh gặp cảnh HS nghèo khó lại khiến tôi suy nghĩ và muốn làm gì đó cho các em. Tôi cho đó cũng là làm phúc, giúp cho các em bớt khổ, học tốt hơn, rồi các em ra trường sẽ sống tốt”.
Theo ông, một lý do khác nữa là do ông được ảnh hưởng từ người cha của mình. Dù cha ông chỉ là y tá nhưng luôn tận tình cứu giúp người. Nửa đêm, ai có chuyện gì ông cũng sẵn sàng chạy xe đạp vượt đường xa đi giúp đỡ. Ngay cả khi cha của ông mất, trong phút hấp hối, hai cha con còn bàn với nhau rằng tiền của cha không cần chia lại cho các con mà sẽ dành hết làm học bổng cho các em khó khăn ở quê.
“Và tôi tự hứa rằng sẽ luôn sống như cha tôi, luôn giúp đỡ người khác. Ban đầu vợ tôi cũng hay phàn nàn vì tôi dành thời gian cho công việc nhiều quá. Tôi chỉ biết nói rằng “ngoài con đẻ của mình, anh còn hàng chục ngàn đứa con ở trường nữa. Mình lo cho chúng nó đàng hoàng thì sau này con mình cũng sẽ hiểu và thừa hưởng phúc phần từ đó thôi” - ông nói.
Đây là tên mà nhiều người hay gọi ông vì mỗi năm trường được ủng hộ 5-7 tỉ đồng để hỗ trợ SV và trở thành một trong những trường có lượng nhà tài trợ “khủng” nhất.
“Đi đâu gặp mạnh thường quân, như có dịp đi Hà Nội tôi vẫn hay kể về hoàn cảnh của SV. Có lần, có người biết đến trường và biết những gì tôi làm nên nói “cho số tài khoản đi, cho đứa 5 triệu”, thế là lần đó có 15 em nhận hỗ trợ này, tôi vui lắm!” - ông hãnh diện kể.
Rồi ông mong mỏi: “Tôi chỉ mong những gì hỗ trợ cho các em hôm nay là đóng góp thầm lặng của trường ĐH cho các em, sẽ giúp phần nào cho các em yên tâm học để trở thành người tốt. Tôi cũng muốn từ những gì tôi làm sẽ lan tỏa đến mọi người, tạo nên một môi trường giáo dục đầy ắp tình người”.
“Nhân viên bảo vệ không còn làm khó phụ huynh HS nữa mà sẽ tận tình hỗ trợ các em. Rồi những ngày nhập học, SV cũng túc trực thường xuyên ở trường lẫn các bến xe, ngã tư để hỗ trợ phụ huynh HS từ tỉnh lên. Những cựu sinh viên hỗ trợ hàng tấn mì tôm, nước uống để phụ huynh HS ăn tạm qua bữa khi cần.
Giảng viên đi coi thi ở trường nghèo cũng sẵn sàng bỏ tiền túi giúp sửa trường, tặng học bổng... Như vậy chẳng đã lan tỏa được tình yêu thương hay sao” ông vui vẻ khoe.
Một hiệu trưởng dung dị, nhiệt tâm trong mắt phụ huynh, không ai nghĩ ông cũng là người đam mê và là một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực điều khiển động cơ và ô tô ở Việt Nam. Ông hiện là thành viên của Hiệp hội Sửa chữa ô tô Úc, phó chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư ô tô TP.HCM.
Nói về lý do đam mê này, ông cười bảo: “Từ thời phổ thông, tôi học chuyên toán nhưng giỏi nhất lại là bộ môn hóa học. Thời đó tôi không biết về ngành nghề nào cả nên chỉ chọn ngành có môn mình giỏi nhất thôi. Sau đó tôi đăng ký thi vào ngành công nghệ hóa học và thành thủ khoa tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Tôi may mắn được chọn đi du học ở Nga theo chính sách nhà nước. Thế nhưng do ngành tôi chọn chỉ tiêu ít nên chỉ ưu tiên nữ. Nếu tôi muốn đi du học thì phải chuyển ngành khác. Sau khi suy nghĩ, tôi quyết định chuyển qua ngành cơ điện tử ô tô. Dần dần, vì không biết gì nên tôi cố gắng tự tìm hiểu, mày mò rồi đam mê luôn”.
Trước khi về nước, ông có sáu lần đại diện trường đoạt giải nhất trong các cuộc thi Olympic toàn liên bang, đặc cách chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Sau khi về nước, ông quay lại TP.HCM và xin vào dạy tại khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhưng cuộc sống rất khó khăn vì TP lúc đó với cơ chế “bù giá vào lương” nhưng chỉ trợ giúp cho người có hộ khẩu TP. Ông quyết định chuyển về làm giảng viên cho Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM để được nhập hộ khẩu theo hứa hẹn của thầy Trần Chí Đáo (lúc đó là phó hiệu trưởng, kiêm chức bí thư Đảng ủy khối các trường ĐH, CĐ và TCCN).
Từ năm 1998 đến 2013, ông chủ trì 12 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học các cấp; hướng dẫn sáu nghiên cứu sinh thực hiện luận án tiến sĩ. Ông từng xuất sắc đoạt giải khuyến khích VIFOTEC vào năm 2008 và giải nhì sáng tạo kỹ thuật của Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật TP.HCM vào năm 2009.
Bên cạnh đó, để SV ngành công nghệ ô tô trong cả nước có tài liệu học tập, ông còn đầu tư biên soạn 14 sách chuyên khảo và sách giáo trình, trong đó có chín cuốn sách do một mình ông đảm nhiệm như Từ điển Anh-Việt chuyên ngành công nghệ ô tô, Nhập môn công nghệ ô tô, Sổ tay tra cứu các hệ thống phun xăng, phun dầu điện tử...
Vừa là cựu SV và hiện là giảng viên khoa Cơ khí động lực, anh Thái Huy Phát cho hay: “Thời đó, do nhà nghèo nên thầy tạo điều kiện cho tôi học lớp buổi tối để ban ngày đi làm thêm. Thầy động viên học để tôi lấy được học bổng. Tết, thầy hỗ trợ 500.000 đồng để tiêu tết, số tiền này thời đó lớn lắm. Khi đến hạn đóng học phí, thầy hỏi han rồi cho mượn tiền đóng trước, sợ tôi bị mất học bổng vì không hoàn thành học phí. Thầy lúc nào cũng thương SV như thế” - anh Phát nhớ lại.