Góc chia sẻ do Trung tâm Dịch vụ sinh viên (SV) Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật vừa thành lập tại tầng hầm của trường. Lưu Thanh Trọng, SV ngành điện, điện tử, truyền thông, tâm sự tình trạng phổ biến của SV nghèo thường chưa hết tháng đã viêm màng túi. Bởi vậy góc chia sẻ chính là cái phao của SV lúc “giáp hạt” có gạo mang về nấu cơm, mì tôm dằn bụng bữa sáng.
Nối dài viện trợ từ gia đình
Đặng Văn Thuyên Sang, SV năm ba ngành cơ điện tử, đang chậm rãi nhìn từng bộ quần áo treo ngay ngắn trong gian quần áo của góc chia sẻ để chọn cho mình một bộ áo quần còn mới. Khoe mái tóc vừa cắt gọn gàng, Sang cho biết nghe bạn bè thông tin liền đến góc chia sẻ để cắt tóc, chọn cho mình một bộ quần áo rồi dùng bữa trưa tại chỗ luôn. “Tình cảnh chung của SV là khó khăn, nhiều bạn áo quần cũ nhưng chưa có điều kiện để mua sắm nên đi chơi, giao lưu mất tự tin” - Sang chia sẻ.
Góc chia sẻ khá kín đáo và rộng hơn 70 m2 chia làm nhiều gian, gồm các nhu yếu phẩm như gạo, mì gói, sữa, nước tương, nước ngọt được phân loại bày trên kệ ngăn nắp, gọn gàng để phục vụ SV miễn phí. Gian kế bên gồm áo quần, đồ đồng phục, túi xách, tập vở, sách, xe đạp. Thú vị nhất là gian bếp, có tủ lạnh, bình nấu nước sôi để phục vụ pha mì tôm tại chỗ hoàn toàn miễn phí. Bìa ngoài cùng là gian cắt tóc và sửa áo quần.
Nữ sinh Bùi Kim Ngân, SV năm hai ngành công nghệ may, phấn khởi nói: “Em thấy góc chia sẻ này rất thiết thực đối với SV tụi em vì đến đây chúng em muốn được chia sẻ, hiểu hơn về gia cảnh của bạn bè mình ngay tại trường mình. Đến góc chia sẻ, mỗi người chung tay một ít sẽ giúp SV nghèo vơi bớt khó khăn lúc gia đình chưa kịp chuyển tiền”.
Nam sinh tự tay chọn cho mình một bộ quần áo vừa ý. Ảnh: P.ĐIỀN
Chung tay cùng SV nghèo
Buổi trưa góc chia sẻ nhộn nhịp hẳn lên khi các giảng viên cũng đến đây tự pha mì tôm ăn trưa cùng SV. Cô Đặng Thị Minh Tuấn, giảng viên khoa Lý luận chính trị, chia sẻ: “Khi có góc chia sẻ, nhiều giáo viên trong trường rủ nhau đến đây ăn trưa cùng SV. Mỗi lần dùng một gói mì, uống bịch sữa, mọi người đều tự bỏ tiền vào thùng như một sự chia sẻ, đồng cảm khó khăn với SV”. Theo cô Tuấn, những ngày đầu SV còn ái ngại chưa đến nhiều, để gần gũi hơn với SV, nhiều cán bộ, giảng viên của trường đã đến đây dùng mì gói và trò chuyện cùng SV của mình.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết SV của trường đến từ nhiều vùng miền, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, khó trụ được với áp lực học phí, chi phí sinh hoạt, buộc SV phải đi làm thêm. Nếu tiện tặn hết cỡ, mỗi SV ngoài tiền học phí mỗi tháng cần có khoảng 2,5 triệu đồng để chi tiêu. Như vậy, một số gia đình ở quê phải 4-5 người đi làm mới gánh nổi đứa con mình học tại TP. “Tôi từng chứng kiến một SV ở Gia Lai, gia cảnh ngặt nghèo, cha mẹ chỉ gửi cho con 1 lít mật ong để xoay xở ở thị thành. Thậm chí có em hằng ngày chỉ dành vài ngàn đồng để mua thức ăn, đến kỳ thi mới dám mua suất cơm gà để cải thiện” - ông Dũng kể.
Những hoàn cảnh như vậy thôi thúc ông phải có sự chia sẻ khó khăn với SV của mình bằng cách tạo việc làm, hỗ trợ nhu cầu ăn uống trực tiếp. Ông bảo việc tạo việc làm cho SV ngay chính trong trường giải quyết được nhiều mục đích. Thứ nhất, SV không đi ra ngoài sẽ hạn chế rủi ro tiềm ẩn. Thứ hai, tạo sự chia sẻ, tính cộng đồng giữa giáo viên với SV, giữa SV với SV.
Ông Dũng đánh giá nổi lên là Trung tâm Dịch vụ SV, kết nối thông tin việc làm nội bộ trong nhà trường hoặc các giáo viên có việc làm. Cửa hàng rửa xe máy, thay nhớt tạo nhiều việc làm cho SV có thêm thu nhập trang trải sinh hoạt. Rồi gần đây có thêm dịch vụ sửa máy tính để SV có thêm thu nhập. Nhà trường dự tính mở thêm khu chợ đêm để SV học cách khởi nghiệp. Khu chợ đêm này do trường bỏ vốn ban đầu, SV đăng ký tham gia hoạt động mua bán trong khuôn viên nhà trường, qua đó áp dụng kiến thức học tập vào thực tiễn.
Phục vụ ăn uống miễn phí ThS Nguyễn Phương Thúy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ SV, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chia sẻ sau một tuần hoạt động góc chia sẻ (ảnh) đã thu hút sự chung tay của cán bộ, giảng viên, cựu SV và các doanh nghiệp đến SV có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó có sự hỗ trợ trực tiếp từ gạo, mì gói, áo quần, đồng phục, tập vở, sách, đồ dùng học tập, xe đạp… với tổng số tiền 100 triệu đồng. |