Đình Thắng quê Nghệ An là anh cả trong gia đình có ba anh em. Hồi Thắng trúng tuyển một trường CĐ tại TP.HCM, cả nhà mừng như tết và lo lắng cũng ập đến, vì không biết lấy tiền đâu ra để Thắng đi học.
Từ không tiền đi học đến thu nhập 20 triệu đồng/tháng
Cha làm thợ hồ, mẹ làm ruộng, thu nhập bấp bênh khiến cơ hội vào CĐ của Thắng tưởng chừng không thành hiện thực. “Lúc đầu em có ý định dừng ước mơ học tập, theo cha đi làm thợ hồ phụ nuôi hai đứa em ăn học. Mẹ em lúc đó thương con nhưng gia cảnh còn chật vật nên đành ngậm ngùi. Bàn đi tính lại, cuối cùng cha mẹ quyết định đi vay chương trình tín dụng học sinh, sinh viên (HS-SV) 20 triệu đồng để em tiếp tục đi học” - Thắng nhớ lại.
Sau ba năm học nghề, với tấm bằng loại khá trong tay, Thắng dễ dàng kiếm được công việc phù hợp tại một công ty, thu nhập bình quân gần 9 triệu đồng/tháng. “Sau hai năm đi làm, em đã gửi tiền về quê cho mẹ trả hết gốc và lãi ngân hàng. Hiện công việc em khá ổn định, được đề bạt làm tổ trưởng. Nếu không có chương trình cho vay tín dụng chắc em không có cơ hội đi học” - Thắng bộc bạch.
Nguyễn Đức Hùng, gia cảnh khó khăn do mẹ mất sớm, một tay người cha nuôi hai anh em Hùng ăn học. Thu nhập chính của gia đình từ mấy sào lúa khiến cha Hùng khó kham nổi chi phí học hành cho con trai khi Hùng trúng tuyển một trường CĐ nghề tại Nghệ An. Tính nát nước, cuối cùng người cha quyết định vay tín dụng 25 triệu đồng cho con đi học nghề.
Không phụ lòng cha, sau ba năm học tập, Hùng đã có tấm bằng trong tay và quyết định sang Nhật làm thực tập sinh ngành cơ khí. Hiện Hùng đã có công việc ổn định tại Nhật với thu nhập bình quân khoảng 20 triệu đồng/tháng, công việc đúng với ngành đã học. Hùng bảo sau một năm sang Nhật làm việc, em đã gửi tiền về trả hết gốc và lãi số tiền vay. Số tiền dành dụm còn lại khi về nước em sẽ sửa lại căn nhà cho gia đình và tính toán đường làm ăn.
Thông qua chương trình vay tín dụng học tập, hàng triệu lượt SV đã vượt khó vươn lên trong học tập. Ảnh: P.ĐIỀN
Cần đáp ứng được nhu cầu tối thiểu
Ông Lê Xuân Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TP.HCM, đánh giá chương trình cho vay tín dụng đối với HS-SV đi học, lập nghiệp là hoạt động thiết thực, điểm tựa đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn vốn này đã giúp hàng triệu gia đình, con em họ được tập học, lập nghiệp.
Ông Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác SV Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết hằng năm trường xác nhận cho hàng ngàn SV có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại trường để gia đình làm thủ tục vay tín dụng học tập. Nhiều cựu SV thành đạt đã quay lại trường hỗ trợ các SV khó khăn, động viên việc học tập, tạo việc làm.
Ông Cường đánh giá đây là hoạt động rất thực tế. Mức vay 11 triệu đồng/năm học cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của sinh viên. Tuy nhiên, về lâu dài cần có sự khảo sát điều kiện kinh tế-xã hội ở các đô thị khác nhau để có mức cho vay khác nhau. Bởi chi phí học tập, sinh hoạt ở các thành phố không như nhau.
Mỗi năm học được vay 11 triệu đồng Qua 10 năm triển khai, Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HS-SV đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, hỗ trợ hàng triệu HS-SV trong cả nước đến trường, lập nghiệp. Đến nay, tổng doanh số cho vay của chương trình đạt trên 56.000 tỉ đồng, tổng dư nợ khoảng 21.000 tỉ đồng với trên 3,3 triệu lượt HS-SV được vay vốn học tập và lập nghiệp. Mức lãi suất cũng được điều chỉnh từ 0,65%/tháng còn 0,55%/tháng. |