Từ thiện hay xã hội?

Quán Nụ Cười 7 là quán cơm sinh sau chót do một nhóm cựu học sinh và giáo viên Trường Petrus Ký - Lê Hồng Phong thực hiện theo sự “chuyển nhượng thương hiệu” của những người sáng lập. Té ra bây giờ không chỉ có sự chuyển nhượng thương hiệu của những sản phẩm thương mại mà còn có sự chuyển nhượng thương hiệu trong việc từ thiện nữa.

Nhắc lại hai chữ từ thiện, ông Nam Đồng, một trong những nhà sáng lập quán cơm Nụ Cười giá 2.000 đồng vào tháng 10/2012, liền lắc đầu nguây nguẩy. Ông kéo tôi ra trước cửa quán cơm, chỉ tay vào tấm bảng hiệu, hỏi móc họng: “Ông biết chữ không? Biết hả, vậy thì làm ơn đọc to xem trên bảng hiệu viết những chữ gì?”. Muốn làm ông vui lòng, tôi đọc to: “Quán cơm xã hội Nụ Cười 1”. Sau khi nghe tôi đọc xong, ông liền hỏi: “Quán cơm gì?”. Tôi hơi bực mình: “Ông coi bộ tôi dốt, không biết chữ sao? Quán cơm XÃ HỘI chứ quán cơm gì?”. Lúc này, ông Nam Đồng mới cười móm mém: “Tôi trả lời ông về bản chất của quán cơm này rồi nhé. XÃ HỘI chứ không phải TỪ THIỆN”.

Nhiều người sau khi ăn ra bàn đóng tiền ủng hộ cũng gây ngạc nhiên không kém cho thực khách. Người bên trái là ông Nam Đồng, một trong những nhà sáng lập quán cơm Nụ Cười giá 2.000 đồng vào năm 2014.

Rồi làm như trúng ngay mạch ngầm, ông Nam Đồng bắt đầu tuôn ra những lời chẳng chút nào từ thiện cũng như xã hội cho người nghe là thằng tôi. Rằng quán cơm xã hội không phải là ý tưởng gì cao siêu, thần giáng mà chỉ là sống lại một kỷ niệm thời ngày xửa ngày xưa khi ông Nam Đồng chỉ biết mơ tưởng đến con gái và chỉ để mơ tưởng mà thôi. Đó là thời kỳ ông là sinh viên nghèo đi học, mỗi buổi trưa ông thường đến quán cơm xã hội. Chỉ với 5 đồng (*), ông được ăn cơm thoải mái, no bụng vì cơm thì ăn thoải mái nhưng thức ăn thì giới hạn theo phần. Nhờ quán cơm xã hội mà ông “khôn lớn” để đi vào chiến khu và sau khi cách mạng thành công, về hưu ông tiếp tục mở quán cơm xã hội. Một vòng tuần hoàn xoáy trôn ốc?

Ông cho biết sự khác nhau của quán cơm xã hội ngày xưa và quán cơm xã hội Nụ Cười của ông. Khác về cơ bản là quán cơm xã hội ngày xưa do Nha Xã hội (thuộc Bộ Xã hội) thành lập năm 1967 và quản lý, còn quán cơm Nụ Cười là do sự đóng góp của các nhà hảo tâm - hoàn toàn không có sự tiếp tay của Nhà nước. Như vậy ngày trước dù là quán xã hội nhưng vẫn có tính chất là công quản. Còn quán Nụ Cười, nói theo thời đại sáng tạo ngôn từ của các quan là “xã hội hóa theo đúng quy trình một mình tư nhân bao thầu”. Ông nhấn mạnh, do móm mém nên hơi trong bụng bắn ra cũng nhiều theo sự nhấn mạnh của ông, là dù quán cơm Nụ Cười được sự đóng góp gạo, thức ăn và tiền bạc của người hảo tâm nhưng quán vẫn thu của mỗi người 2.000 đồng (dù cho đồng tiền có trồi lên hay trụt xuống do lạm phát) để cho người đến quán không có cảm giác là mình ăn cơm bố thí. Người nghèo đến quán cơm Nụ Cười ăn cơm giá rẻ chứ không phải ăn cơm từ thiện. Hiện nay tại TP có nhiều quán cơm từ thiện, riêng chỉ quán cơm Nụ Cười là thu 2.000 đồng. Mỗi khẩu phần ăn tính ra quán lỗ 12.000 đồng vì “quán cơm Nụ Cười hơn quán cơm xã hội ngày xưa vì thức ăn ngon và bổ hơn nhiều và không có ngưng bán bất chừng”. Theo tôi được biết quán cơm xã hội ngày xưa có lúc phải ngưng bán vì Nha Xã hội hết ngân sách… mua gạo. Lúc đó, báo chí la quá nên liền được chính phủ tiếp tế ngay. Tôi công nhận là các quán cơm Nụ Cười thức ăn nhiều khi ngon hơn nhà tôi nấu. Thi thoảng đọc lời giới thiệu món ăn hằng ngày của quán Nụ Cười 7 mà tôi thèm chảy nước miếng. Đầu bếp biết chế biến và biết thay đổi thức ăn hằng ngày nên vô cùng thơm ngon, bổ dưỡng. Bởi vậy nhiều người ngạc nhiên khi thấy có những khách ăn mặc thời trang, giàu có, đi xe xịn đến quán cơm Nụ Cười đứng sắp hàng mua suất cơm 2.000 đồng với những người bán vé số, hàng rong. Dù cho mọi người nhìn với ánh mắt khó chịu, họ vẫn bình thản ngồi cùng bàn và ăn mạnh bạo. Nhưng cũng lại gây ngạc nhiên không kém khi vào, trước khi ra về họ đến quầy thu ngân đưa một số tiền lớn để tặng cho quán cơm.

Không biết những người này ăn cơm xã hội hay từ thiện và họ đang làm chuyện từ thiện hay xã hội đây? Ôi, phân biệt làm chi cho nó mệt. Người Sài Gòn là vậy đó, chịu hổng chịu thì thôi…

__________________

(*) Giá một trứng vịt là 5 đồng, 1 kg đường cát 35 đồng (giá tháng 1-1967, theo Tuần san Phòng Thương mãi Sài Gòn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm