Tính cách người Sài Gòn mang đầy đủ nhất đặc trưng hào sảng của người Nam Bộ:Thân thiện, cởi mở, trọng nghĩa, khinh tài, “giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha”. Là vùng đất mở nên khắp Sài Gòn là những âm thanh của mọi miền đất nước. Có lẽ cũng chính vì vậy mà người Sài Gòn không hỏi và không quan tâm xem những người ở Sài Gòn là từ đâu tới.
Bình trà đá nghĩa tình đặt trên đường Lý Thái Tổ, quận 10. Ảnh: Huỳnh Trường Giang
Trên đường, nếu chẳng may va quẹt xe nhưng nếu biết lỗi, xin lỗi thì sẽ nhận được cái gật đầu đầy thông cảm: Không có gì. Gặp nhau giữa quán cà phê, không hề quen biết nhưng nhoẻn miệng chào nhau, thế là trở thành thân quen tự lúc nào. Người Sài Gòn ít nói chuyện chính trị, họ thích nói chuyện vui, nói những gì gần gũi, thiết thực hằng ngày. Người Sài Gòn nghĩ sao nói vậy và nói sao làm vậy nên có thể nghe những lời khôngmượt nhưng đó là bản tính của người Sài Gòn.
Bây giờ đi trên những con đường ở Sài Gòn, thỉnh thoảng người đi đường sẽ bắt gặp những thùng nước mát rất to với biển ghi chữ cũng chẳng đẹp cho lắm, đó là nước uống miễn phí do chủ nhà gần đó làm để người qua đường uống tự do mà không cần phải hỏi, không phải trả tiền. Những người mua bán ve chai, những bác xe ôm, những người xa xứ đi giữa cái nóng như rang của Sài Gòn sẽ mát lòng mát dạ biết bao với những thùng nước mát nghĩa tình ấy. Những người ở quê lên chữa bệnh không có tiền, người Sài Gòn luôn có nhiều hình thức giúp đỡ như phát cơm và cháo miễn phí.
Nụ cười hạnh phúc của người dân được nhận cháo từ thiện trước cổng BV Ung bướu. Ảnh: Huỳnh Trường Giang
Thỉnh thoảng trên đường đi có thể thấy những tấm bảng viết vội với những chữ nguệch ngoạc thì chính là con đường phía trước đang bị hỏng hóc hay có sự cố và người dân gần đó đã ngay lập tức viết và treo ra đó để chỉ dẫn cho người đi đường. Các quán cơm từ thiện, cơm chay miễn phí có ở khắp nơi. Mới đây nhất lại có thêm tủ bánh mì miễn phí. Vào quán cà phê, khách hàng sẽ được nhân viên dắt xe tận tình, được chăm sóc đúng là thượng đế với cái cúi đầu và cung cách phục vụ cùng những lời xin lỗi, cám ơn ngọt như mía lùi của tiếp viên và ngay trước mặt là ly trà đá.
Nếu lạc đường, người Sài Gòn sẽ chỉ thật tận tình. Không những chỉ dẫn cẩn thận mà nếu rỗi, có người còn dẫn đường đến tận nơi. Người Sài Gòn giữ chữ tín, bởi thế nhiều nơi làm ăn buôn bán không cần giấy tờ gì. Thuê nhà nói một lời và cứ giữ như vậy mãi. Đi chợ Kim Biên mua hàng về bán, chỉ cần lần đầu trả tiền đầy đủ, lần sau cứ vậy lấy hàng gối đầu, không cần biết địa chỉ người mua ở đâu. Điều đặc biệt, người bán không hề nói thách, nếu trở thành khách hàng thân thiết, chủ cửa hàng sẽ cố gắng để giảm giá càng nhiều càng tốt.
Tấm biển chỉ đường người Sài Gòn lập nên để giúp đỡ nhau. Ảnh: Huỳnh Trường Giang
Sài Gòn không phụ bất kỳ ai, ai có sức khỏe và chăm chỉ làm việc sẽ không khó để kiếm việc làm. Những ai nhiều tiền vào khách sạn 5 sao, 3 sao, ít tiền vẫn có nơi để đến. Giữa những cao ốc sừng sững, những trung tâm thương mại xa xỉ, bạn vẫn có nơi để mua được những món ăn bình dị thường ngày với giá rất bình dân. Trên những đường phố ở quận 1 như Đồng Khởi, Trần Bình Trọng… không thiếu những quán hàng sang trọng nhưng gần đó cũng không ít quán cóc bình dân. Sài Gòn là nơi khởi phát của báo chí, hiện đây vẫn là nơi có số lượng phát hành báo lớn nhất cả nước. Người Sài Gòn từ trí thức đến bình dân, ai ai cũng đọc báo. Vậy nên ai mới đến Sài Gòn đừng ngạc nhiên khi nhìn thấy hình ảnh những bác xe ôm với ly cà phê và tờ báo trên tay đang nằm vắt vẻo lúc ế khách.
Có một vùng đất mà ai đi xa cũng nhớ, ai đã đến rồi thì khó mà dứt chân ra, đó là Sài Gòn. Chính tính cách người Sài Gòn đã níu chân những người ở lại.