Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh, bảo vệ biên giới Tây Nam 7-1-1979, đoàn đại biểu TP.HCM đã đến thăm hai nghĩa trang quốc gia Đồi 82 ở tỉnh Tây Ninh. Nhạc sĩ Thế Hiển mang theo cây đàn guitar để hát tặng vong linh các liệt sĩ những ca khúc gắn liền với tuổi trẻ của người lính.
Về đây các anh ơi, về nghe em hát
Năm 1986, nhạc sĩ Thế Hiển cùng một nhóm văn nghệ xung kích từ TP.HCM đi vào mặt trận ở Campuchia biểu diễn phục vụ bộ đội tình nguyện Việt Nam. Những ngày ngắn ngủi sống cùng bộ đội, giữa lằn ranh sống chết cận kề nhưng các chiến sĩ vẫn yêu đời, vẫn hát ca, vẫn tìm những nhánh lan rừng về treo lên lán trại. Cảm xúc đó đã kết thành ca khúc Nhánh lan rừng, một trong những bài ca lãng mạn thời chiến nổi tiếng và mãi đi cùng năm tháng.
Và hôm nay, ông lại đệm đàn cùng các bạn trẻ hát về một thời tuổi trẻ của thế hệ các anh: Về thăm thành phố náo nức mùa xuân. Ba lô trên lưng đơn sơ nhánh lan rừng. Có người chiến sĩ áo vương bụi đường xa…
Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến thì nhớ lại những ngày tuổi trẻ sôi nổi khi ông cùng các văn nghệ sĩ lên biên giới hát cho bộ đội. Ông nói: “Ban ngày tụi tôi đi đắp giao thông hào, buổi tối hát cho bộ đội nghe. Lần nào hát cũng xúc động lắm. Bởi vì tôi biết rằng có thể vài hôm sau sẽ không gặp lại người chiến sĩ ấy nữa”.
Ông từng gặp những chiến sĩ, sau này là những cựu binh trực tiếp chiến đấu ở biên giới Tây Nam, họ mang theo những ký ức hào hùng nhưng cũng rất đau thương của một thời chiến đấu với quân đội của chế độ diệt chủng tàn bạo bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Ông rưng rưng: “Tôi luôn muốn quay lại đây, nhắc nhở chính mình và con cháu mình giá trị của hòa bình. Cuộc chiến biên giới của chúng ta rất chính nghĩa. Chỉ những người chưa từng biết về nó hoặc không có lương tri mới có thể xuyên tạc được về nó”.
Nhạc sĩ Thế Hiển (ôm đàn), nhạc sĩ Trần Xuân Tiến (hàng ngồi, thứ tư từ trái sang) hòa nhịp cùng các bạn trẻ tưởng nhớ vong linh các liệt sĩ. Ảnh: HM
Kính cẩn thắp nén nhang thơm lên từng ngôi mộ, Thiếu tá Nguyễn Hùng Vương (Trưởng ban Tuyên huấn Bộ đội biên phòng TP.HCM) mắt đỏ hoe. Đây là lần đầu tiên anh đến viếng nghĩa trang Đồi 82, nhìn quả đồi bạt ngàn ôm lấy hàng chục ngàn ngôi mộ, anh rưng rưng xúc động: “Sự hy sinh của các anh to lớn quá, không thể nào đo đếm được. Bạn thấy đấy, ở đây có đến 5.000 ngôi mộ vô danh. Có những anh hy sinh khi còn rất trẻ. Tôi sẽ trở lại để dâng hương và hát cho các anh nghe”.
Giữa nghĩa trang Đồi 82 lộng gió, cỏ xanh hoa vàng dưới chân, mây trắng thổn thức ở trên đồi, tiếng guitar vút lên cùng những tiếng hát của người già, người trẻ. Đã 40 năm kể từ ngày chiến thắng biên giới Tây Nam, thời gian đã trôi qua, cuộc sống đã đổi thay nhưng không ai quên được những ký ức linh thiêng.
Kỷ vật còn lại
Địa chỉ thứ hai được nhắc lại dịp này là Khu tưởng niệm các thanh niên xung phong (TNXP) của TP.HCM đã hy sinh trên mảnh đất biên giới. Từ khu tưởng niệm này, chỉ đi bộ thêm một chút nữa là đến cột mốc biên giới. Nơi này còn lưu lại kỷ vật của anh Ngô Viết Minh, Đội trưởng Đội TNXP, một bức thư tay gửi cho bạn ở quê. Bức thư viết vội chưa kịp gửi, anh đã bị lính Pol Pot sát hại tại Soài Riêng ngày 22-7-1978.
Thuở đó, những cô gái, chàng trai thư sinh đến từ TP, gia nhập lực lượng TNXP đã hăng hái tải thương, tải đạn. Và rồi trong một lần bị phục kích, cả một đội TNXP bị xóa sổ, chỉ còn sống sót vài người. Những người trẻ ấy ra đi khi còn chưa kịp có người yêu.
Nguyễn Thị Hoàng Vân, một cô gái thuộc lực lượng TNXP TP.HCM, đã nhiều lần đi thăm người nữ TNXP sống sót năm xưa tên Nguyễn Thị Lý. Hoàng Vân không dám nhắc đến những ký ức xưa vì chỉ cần hỏi đến, cô Lý sẽ xúc động tới mức ngất xỉu. Ký ức đối mặt với quân diệt chủng là ký ức quá đau đớn, kinh hoàng. Cô may mắn sống sót vì quân Pol Pot tưởng cô đã chết trong cuộc tàn sát đó.
Hoàng Vân cũng thuộc hết tên và biết về tiểu sử, những câu chuyện đời của các liệt sĩ đội TNXP TP đã hy sinh ở đây. Hoàng Vân cho biết cô cảm thấy mình có trách nhiệm với màu áo xanh TNXP, cô cần phải viết và kể nhiều hơn nữa để những bạn trẻ biết về lực lượng TNXP TP đã đóng góp rất nhiều máu xương, tuổi trẻ của mình cho chiến thắng biên giới Tây Nam.
Chỉ trong ba năm tám tháng và 20 ngày cầm quyền (giữa năm 1975 đến năm 1979), chế độ Pol Pot đã xóa bỏ mọi hoạt động kinh tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật… và giết hại gần 3 triệu người dân Campuchia, đẩy đất nước Campuchia vào thảm họa diệt vong. Đồng thời Pol Pot phát động tấn công Việt Nam và giết hại dã man hàng ngàn người dân vô tội. Những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam chưa kịp tận hưởng hòa bình sau ngày đất nước thống nhất đã lại lên đường bảo vệ biên cương và giúp đỡ nhân dân Campuchia chống lại họa diệt chủng. |