Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương Binh, liệt sĩ:

“Anh cứ sợ chết rồi vẫn chưa tìm được em”

Năm ngoái, tầm thời gian này, gia đình chị Bùi Thị Hoa và anh Cao Bá Lâm (ngụ huyện Long Thành, Đồng Nai) đã chuẩn bị cho đại gia đình một chuyến đến Tây Ninh thăm mộ liệt sĩ. Chị Hoa nói: “Năm nay chúng tôi đưa cha đi sớm từ tháng trước. Cha tôi già yếu rồi, ông có nguyện vọng đưa hài cốt chú tôi về quê. Nếu không nhờ đồng đội chú ấy viết thư báo tin, chắc gia đình tôi vẫn mải miết tìm kiếm mộ chú ở các nghĩa trang Quảng Trị”.

Trước đó, gia đình chị đã có 50 năm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Cao Xuân Khuê trong vô vọng. Gia đình không có tin báo tử, chỉ nghe tin liệt sĩ hy sinh đâu đó tại Quảng Trị. Ông Cao Bá Linh (ngụ Diễn Châu, Nghệ An), anh ruột liệt sĩ Cao Xuân Khuê, đã đi theo những thông tin mơ hồ đó để tìm kiếm hài cốt em mình vì “chưa đưa chú về, anh yên tâm sao được”.

Người đưa hàng ngàn hài cốt liệt sĩ về với gia đình 

Rồi đến một hôm ông Cao Bá Linh nhận được thư báo tin về phần mộ của em mình nằm ở nghĩa trang đồi 82, Tây Ninh. Ông vội gọi cho vợ chồng con trai ở Đồng Nai. Chị Hoa, anh Lâm đã bắt xe đến nghĩa trang ngay. Tuy nhiên, khi quản trang tra cứu danh sách liệt sĩ có tên tuổi, quê quán, họ chỉ tìm thấy một liệt sĩ cùng tên nhưng quê ở Hải Hưng. Gia đình không biết nên vui hay buồn. Họ gọi lại cho người đã báo tin.

Người đã gửi thư báo tin chính là cựu chiến binh Lê Trường Giang, Trưởng ban liên lạc Trung đoàn 16. Ông Giang đã tìm đến phòng chính sách Quân khu 7 sưu tầm, sao chép tất cả thông tin về các liệt sĩ trong trung đoàn của mình. Khi có đầy đủ thông tin về liệt sĩ nào, ông sẽ gửi thư báo tin về gia đình họ. Ông nói: “Khi có trường hợp nào còn chưa rõ ràng, tôi tự tìm đến xác minh để có thêm thông tin cho gia đình họ. Tôi có bản gốc danh sách liệt sĩ nên có thể đối chiếu được. Liệt sĩ Cao Xuân Khuê đã bị ghi nhầm quê quán”. Trong bản gốc ông sao chép được thì liệt sĩ Khuê quê gốc ở Diễn Châu, Nghệ An.

Ông đã hướng dẫn gia đình đến xác minh tại hai tỉnh Hải Hưng và Hải Dương. Kết quả cho thấy không có liệt sĩ trùng tên và hy sinh. Lúc này gia đình liệt sĩ Khuê khóc òa vì xúc động. Ông Cao Bá Linh như trút được gánh nặng trong lòng: “Anh sẽ đưa em về với quê hương. Anh cứ sợ chết rồi vẫn chưa tìm được em” bởi năm nay ông đã 84 tuổi. Chị Hoa nghẹn ngào: “Gia đình tôi rất biết ơn ông Giang đã báo tin”.

Sau đó, ông Lê Trường Giang cũng đã viết thư cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tây Ninh trình bày và đề nghị cơ quan chức năng điều chỉnh thông tin quê quán trên bia mộ liệt sĩ Cao Xuân Khuê và trong danh sách quản lý.

Ông Lê Trường Giang (ngoài cùng bìa phải) cùng một gia đình thân nhân liệt sĩ. (Ảnh do ông Giang cung cấp)

Ông Lê Trường Giang (đứng bên phải xe) cùng gia đình đi đón hài cốt liệt sĩ. (Ảnh do ông Giang cung cấp)

Gấp rút tìm kiếm hài cốt hàng ngàn đồng đội khác

Ông Lê Trường Giang bắt đầu công việc tìm kiếm, tra cứu thông tin về các đồng đội của mình từ năm 2007. Đó là ngày ông tìm được hai cuốn danh sách liệt sĩ của Trung đoàn 16. Từ đó ông miệt mài tìm kiếm, gửi thư, hướng dẫn cho các gia đình liệt sĩ các thủ tục để nhận mộ người thân.

Nhưng có nhiều trường hợp liệt sĩ không được đưa về nghĩa trang, nằm rải rác trong các thôn xóm, bản làng, tìm kiếm các manh mối khá khó khăn. Trong một lần đi tìm mộ liệt sĩ Cao Thế Tạc (quê Hải Dương), hy sinh ở huyện Dầu Tiếng, Bình Dương, ông Giang đã tìm đến xã vùng sâu Ninh Thạnh thì nhận thấy chiến trường xưa đã thay đổi khá nhiều. Ông dò hỏi ở các quán cà phê, các “trung tâm tin tức” nơi người dân địa phương hay lui tới. Và ông đã có một cuộc gặp bất ngờ, vô cùng xúc động. Một người giới thiệu mình là cựu binh đã dẫn ông đến nơi chôn cất liệt sĩ vì người này biết rất rõ trận đánh đó. Khi được dẫn tới hai ngôi mộ trong khu vườn, ông Giang rưng rưng: “Người được chôn ngồi là liệt sĩ Tạc, người kia là liệt sĩ Bảo”. Khi khai quật đưa hai liệt sĩ về nghĩa trang, những người chứng kiến không ai cầm được nước mắt.

Ông Giang nói: “Lúc đó tôi là lính trinh sát, tổ trinh sát có bốn người. Ba người kia đã hy sinh hết, có mỗi mình tôi được sống trở về. Tôi không được quên điều đó. Nhiều anh vẫn chưa được về nhà”.

 Ông cũng cho biết thêm với hàng ngàn liệt sĩ, việc tìm kiếm mộ, khớp các thông tin không hề đơn giản, thậm chí phải cầu đến chữ duyên và may mắn. Ông luôn tìm được những duyên may, kể cả những lần khó khăn nhất. Vừa qua, ông đã bắt xe buýt hàng chục chuyến để quay lại nghĩa trang Tây Ninh tìm mộ một liệt sĩ tên Trần Hữu Từ. Ông đã tìm được mộ của liệt sĩ nhưng thông tin về gia đình liệt sĩ lại khá mù mờ. Nguyên quán của liệt sĩ thuộc địa danh cũ Hà Tĩnh nhưng khi hy sinh lại ghi Bắc Hà. Sau một thời gian, ông Giang tìm được địa chỉ người thân của liệt sĩ nhưng ông vẫn lo lắng: “Thông tin chưa khớp hết, lỡ gia đình tới nhận cũng không được”. Đắn đo rồi ông mua vé máy bay bay ra Hà Tĩnh hai lần để xác minh thông tin từ địa phương và các nguồn khác. Đền bù cho những ngày trăn trở đó của ông Giang là được thấy gia đình liệt sĩ Từ đưa anh về lại quê nhà.

Người trọn tình, trọn nghĩa với đồng đội

Đồng chí Lê Trường Giang là niềm tự hào của chúng tôi. Không chỉ đi tìm mộ liệt sĩ, tri ân các gia đình liệt sĩ, đồng chí Giang còn giúp nhiều cựu binh khác như vận động xây, sửa nhà đồng đội, tặng học bổng cho con em các cựu binh. Đó là người trọn tình, trọn nghĩa với đồng đội.

Ông TRẦN HỮU MẬN, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM

______________________________

Trung đoàn 16 miền Đông Nam bộ, tiền thân là Trung đoàn 101A, Sư đoàn 325 thành lập năm 1946 tại Huế (nay là Trung đoàn Đồng Nai, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai) hai lần được phong anh hùng, hoạt động ở vùng ven đô Sài Gòn, tham gia các trận chiến đấu rất ác liệt. Phần lớn liệt sĩ của trung đoàn chưa được gia đình nhận lại phần mộ. Hiện tại cựu chiến binh Lê Trường Giang vẫn đang chạy đua với thời gian, bởi trung đoàn của ông qua các thời kỳ có tới hơn 5.000 liệt sĩ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm