20 năm đi tìm hài cốt đồng đội

Người cựu binh ấy là ông Bùi Minh Kiểm, hiện đang ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Hơn 20 năm qua, ông Kiểm đã đi tìm được trên dưới 50 hài cốt đồng đội cũ. Riêng năm 2011 này, ông đã cùng với gia đình đồng đội đi tìm và đưa về bảy hài cốt liệt sĩ.

Trở về từ cửa chết

Nhắc chuyện xưa, ông Kiểm kể: “Năm 18 tuổi, tôi rời quê hương, TP cảng Hải Phòng xung phong vào bộ đội chiến đấu ở mặt trận Quảng - Đà. Cấp trên phân tôi về đơn vị đặc công 91, thuộc Quân khu 5. Gần 12 năm vào sinh ra tử nơi chiến trường, tôi từng tham gia hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ”.

Đôi mắt của người lính già ngấn lệ, hồi tưởng về một thời hoa lửa đã qua: “Lần ấy đơn vị tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ một điểm trung chuyển đạn dược phục vụ mặt trận Quảng - Đà bên bờ sông Vu Gia (Đại Lộc, Quảng Nam). Tụi Mỹ điều hai toán biệt động phối hợp với sư đoàn 2 của chế độ cũ đổ quân xuống càn quét, cắt đứt tuyến vận tải chính. Anh em chỉ có 11 người với súng AK và một khẩu tiểu liên kiên cường chống trả”.

Địch tạo thành thế gọng kìm bao vây, đẩy đơn vị ông Kiểm ra phía bờ sông nhằm chiếm cứ điểm. Giữa lúc cuộc giằng co đang diễn ra ác liệt thì địch cho trực thăng bắn róc két, pháo kích dữ dội và tăng cường quân đổ bộ. Súng máy và AK không thể xuyên thủng lớp thép phía dưới bụng máy bay. Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng ấy, ông Kiểm cùng Nguyễn Phú Thao (quê Hải Phòng) lao lên ghì hai càng máy bay xuống cho đồng đội dùng súng bắn thốc vào buồng lái. Với cách đánh liều lĩnh ấy, sau gần nửa ngày chiến đấu, đơn vị ông đã bắn rơi tám máy bay trực thăng, đẩy địch ra xa phía bờ sông. “Đơn vị tôi lần lượt hy sinh gần hết, chỉ còn lại ba người. Một đợt pháo kích sau đó đã khiến tôi bị thương ngã xuống sông, bất tỉnh và bị dòng nước cuốn đi. May người dân địa phương vớt được tôi ở đoạn đầu Gò (sông Bung), đưa về cứ chữa trị” - ông Kiểm kể lại trận đánh nhớ đời.

20 năm đi tìm hài cốt đồng đội ảnh 1

Ông Kiểm cùng cháu nội và bảng chiến công mà ông và đồng đội đã viết nên bằng máu. Ảnh: TT

Sau trận đánh bên bờ sông Vu Gia, ông chuyển về chiến đấu tại đoàn pháo binh 575. Tại đây, ông cùng đồng đội bước vào những trận đánh khốc liệt hơn. “Năm 1972, các trận địa pháo của đoàn 575 đã ngăn chặn hàng chục cuộc tấn công, càn quét, tìm diệt của Mỹ vào khu vực Hòa Bình (Hòa Vang, Đà Nẵng), Điện Sơn (Điện Bàn, Quảng Nam)… Chúng tôi đã mở các đợt tấn công vào sân bay Đà Nẵng, sân bay nước Mặn (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), bán đảo Sơn Trà… tiêu diệt nhiều địch cùng các loại khí tài quân sự hiện đại” - ông Kiểm tự hào. Nhưng rồi khi nhắc lại tên những đồng đội năm xưa, giọng ông Kiểm bỗng nghẹn ngào…

Nặng lòng với đồng đội

Chiến tranh qua đi, ông ở lại gắn bó với mảnh đất chiến trường xưa và nên duyên với bà Lê Thị Ngọc, một đồng đội cùng đơn vị pháo binh 575. Cuộc sống khó khăn, hai vợ chồng phải bươn chải đủ nghề. Trong cái nghèo, ông vẫn đau đáu một lòng với những đồng đội cũ đang nằm lại giữa rừng già. “Mình may mắn sống sót trở về nhưng còn biết bao đồng đội đang nằm cô quạnh, lạnh lẽo giữa rừng. Chính tay tôi đã chôn cất nhiều đồng chí hy sinh nên giờ tôi phải cố gắng đưa anh em về đoàn tụ với gia đình cho trọn nghĩa vẹn tình”.

Với tâm nguyện ấy, năm 1992, ông Kiểm cùng hai đồng đội cũ mang ba lô trở lại chiến trường cũ ở Đại Lộc (Quảng Nam). Lần theo những dấu tích xưa còn sót lại, ông đến dốc Gió, nơi đồng đội đã chôn cất liệt sĩ Nguyễn Văn Dần (quê Hải Phòng). “Để lên được dốc Gió, chúng tôi phải đi cả ngày đường, vượt qua nhiều đoạn rừng núi hiểm trở. Nhiều nơi phải đu dây do bộ đội ta treo từ trước ngày giải phóng mới lên được đỉnh. Hầu hết, các đoạn dây đu này đã cũ và mục nát khiến chúng tôi bị ngã không ít lần…”. Ông Kiểm kể khi tìm được đến nơi thì trời đã tối, ba người mắc võng nằm quanh nấm mồ đồng đội, ôn lại chuyện xưa. Họ râm ran kể cho đồng đội đang nằm dưới đất kia nghe về cuộc sống của những người còn “sót lại” sau mỗi trận đánh và cả lúc hòa bình.

Sau chuyến đi ấy, ông làm một quyển sổ ghi lại tên và địa điểm những người đồng đội đã hy sinh, chờ ngày lên đường đi quy tập. Hễ nghe ở đâu có thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ là ông lại tìm đến xin địa chỉ, ghi chép cẩn thận. Những chuyến đi của ông ngày càng dài và xa hơn, có khi kéo đến cả tuần. Hành trang mang theo chỉ có chiếc xẻng nhỏ, mấy gói mì tôm, chiếc ba lô con cóc thời chiến và lá cờ Tổ quốc.

20 năm đi tìm hài cốt đồng đội ảnh 2

Qua tuổi 70, ông Bùi Minh Kiểm vẫn ngày đêm nặng lòng với đồng đội cũ. Ảnh: TT

Năm 1999, nghe thông tin phát hiện hài cốt bộ đội ta ở khu vực rừng núi Đại Lộc, ông lại theo đoàn thân nhân đi tìm mộ liệt sĩ. Lần ấy ông đã đưa năm hài cốt liệt sĩ về quê an táng. “Đồng đội tôi hy sinh ở mặt trận Quảng - Đà rất nhiều, trong đó có nhiều người chưa tìm thấy phần mộ. Do hoàn cảnh khó khăn nên nhiều thân nhân liệt sĩ không thể đi tìm hài cốt. Đó là nỗi đau chung của gia đình, bạn bè, đồng đội” - ông Kiểm nói.

Còn sức còn đi

“Mỗi lần đi quy tập, đưa đồng đội về với quê hương, tôi càng thương những người còn nằm lại giữa núi rừng, không ai nhang khói. Nhiều đêm nằm mơ thấy anh em về, lòng tôi như lửa đốt nên càng quyết tâm đi tìm” - ông Kiểm ngậm ngùi.

Nghĩa cử cao đẹp của ông Kiểm luôn được người vợ đồng thời cũng là một đồng đội cũ chia sẻ, chung sức. “Khi ông ấy lên rừng đi tìm và quy tập mộ đồng đội thì tôi ở nhà đưa hài cốt anh em về quê nhà. Mới đây, tôi cùng theo đoàn xe đưa hai phần mộ đồng đội ra Hà Tây, sau gần 40 năm lưu lạc giữa rừng già. Người nhà các anh vừa mừng vừa khóc khi gặp lại người anh, người chú trong gia đình” - bà Ngọc, vợ ông, chia sẻ. Những thân nhân liệt sĩ trên đường đi tìm hài cốt đều ghé vào ngôi nhà nhỏ của ông bà ở lại, trước khi bắt đầu chuyến hành trình vào rừng.

Lật giở quyển sổ ghi lịch trình, tên tuổi và vị trí an nghỉ của đồng đội, ông Kiểm lại rưng rưng nước mắt. “Thời gian trôi qua đã xóa nhòa nhiều dấu tích, trí nhớ tôi cũng không còn được minh mẫn như xưa nên việc tìm hài cốt đồng đội càng khó khăn. Nhiều chuyến đi của tôi phải về tay không. Mỗi lần như thế, tôi càng cảm thấy mình có lỗi với đồng đội” - ông tâm sự.

Thấy ông tuổi già, sức yếu, sợ đổ bệnh giữa rừng nên con cái khuyên can. Ông nói: “Bom đạn kẻ thù còn không giết nổi tao thì mấy cái mưa rừng, gió núi có ngán chi. Tranh thủ lúc còn trí nhớ thì phải ráng làm chứ lúc nằm liệt giường ai sẽ đưa các chú ấy về. Bây đừng can tao”.

Năm 2008, khi đang phải nằm viện điều trị bệnh cao huyết áp và chảy máu dạ dày thì ông biết tin người nhà liệt sĩ Đỗ Khắc Pha (quê ở Hà Tây) vào tìm. Ông vội thu dọn áo quần, tất tả theo mọi người đi tìm và cất bốc hài cốt đồng đội. Nhiều người ngăn ông, buộc ở nhà trị bệnh nhưng ông lại gạt phăng đi. “Chỉ có tôi mới biết được vị trí anh ấy nằm” - nói rồi ông dẫn gia đình đồng đội đến khu cánh bắc Hòa Vang (Đà Nẵng) khai quật nấm mồ được chôn dưới tán rừng…

“Chính tay tôi chôn cất cậu ấy…”

Năm 2003, nhờ sự chỉ dẫn của đồng đội cũ, ông Kiểm một mình “hành quân” về lại chiến trường vùng B (Đại Lộc, Quảng Nam) tìm hài cốt liệt sĩ Đào Văn Bằng (quê Thủy Nguyên, Hải Phòng). “Cậu ấy hy sinh trong một trận đánh ở dốc Ông Thủ. Chính tay tôi đã chôn cất và đánh dấu địa điểm để sau này trở lại tìm. Nhưng do địch càn tới quá nhanh nên tôi chỉ kịp lấp mấy viên đá to chất lên làm mộ. Gần 30 năm sau quay lại, mọi thứ đã thay đổi quá nhanh, tôi chỉ nhớ mang máng chôn anh ấy gần một đỉnh đồi cao”. Thế nhưng hơn bốn lần đi tìm ông đều bất lực. Lật giở bản đồ, ông cố nhớ lại vị trí chôn cất năm xưa nhưng vô vọng. Ông tự trách mình sao lú lẩn quá nhanh đến nỗi không nhớ nơi đồng đội nằm. Từ đó đến nay, ông vẫn miệt mài đi tìm…

TẤN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm