Nhiều người là con cháu của những lưu dân đến TP sinh cơ lập nghiệp từ thời chiến tranh. Nhưng đông đảo nhất là những người nhập cư từ sau năm 1975 đến nay. Họ mang theo nếp sinh hoạt các vùng miền làm phong phú thêm văn hóa Sài Gòn.
Khắp mọi nơi ở TP, từ những phố lớn, ngõ hẹp ở trung tâm TP đến các khu đô thị mới mọc lên ở vùng ven, đâu đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp những sinh hoạt còn mang đậm nét văn hóa tiểu nông.
Cúng giỗ giữa Sài Gòn
Có một số biểu hiện vẫn còn mang đậm chất mộc mạc, chơn chất một cách thoải mái có khi làm nhiều người khó chịu, như ăn uống nói cười ở nơi công cộng như quán ăn, quán cà phê ồn ào, vung tay bỏ chân lên ghế như chỗ không người. Những người “nhà quê gốc” này cũng mang theo nét văn hóa truyền thống đáng quý từ hàng ngàn năm. Đó là phong tục thờ cúng tổ tiên và ông bà cha mẹ đã khuất. Hầu như mọi gia đình, từ giàu có đến nghèo khó đều lập bàn thờ gia tiên. Giàu có thì ban thờ bằng gỗ quý, hương án bóng bẩy sang trọng, nghèo thì một cái bàn gỗ hay chỉ một tấm ván gắn vào tường và cái lư hương cũng thành cái bàn thờ. Đặc biệt là vào ngày cúng giỗ, những gia đình giàu có với mâm cao cỗ đầy, nhà nghèo dù nghèo đến mấy cũng sắm sửa lúi húi mâm cơm cúng giỗ ông bà cha mẹ đúng ngày. Nếu như ở quê, mỗi lần cúng giỗ thì mời hầu hết bà con hàng xóm láng giềng đến ăn giỗ, nhiều khi kéo dài đến hôm sau. Vì vậy ở quê có câu: “Một ngày giỗ cha, ba ngày húp nước!” Nếu ai đã từng về quê ăn giỗ mới thấy hết tình nghĩa bà con láng giềng, một nhà có việc thì cả làng chung tay. Nhất là những dịp giỗ chạp, tang ma, cưới hỏi.
Ở TP có điểm chung là dù giàu có mâm cao cỗ đầy hay nhà nghèo cúng mâm cơm sơ sài lúi húi thì ngày giỗ quanh đi ngoảnh lại cũng chỉ có người nhà. Hoặc nếu may mắn giỗ đúng vào ngày nghỉ hay cuối tuần thì có thêm vài người bà con mang hoa quả đến cúng. Tôi từng nhiều lần đi ăn giỗ ở quê, nên mới rồi được ông bạn hưu trí láng giềng mời sang dự đám giỗ mẹ ông ấy, mới thấy sự lẻ loi hiu hắt đám giỗ thị thành. Theo tục lệ giỗ phải cúng rước ông bà tổ tiên về dự trước giờ ngọ (từ 11 giờ đến 13 giờ). Bữa giỗ đã được vợ ông chuẩn bị sắm sửa từ hôm trước với đầy đủ món ăn truyền thống nhưng cúng xong dọn xuống bàn chẳng ai ngoài vợ chồng ông và tôi ngồi nhìn nhau cầm đũa. Thằng con ông ở bên quận 9 lại bận đi làm nên xin phép chiều tan sở sẽ tranh thủ tạt về. Mấy người bà con ở Tân Bình, Thủ Đức gì đó gọi điện thoại bảo xa xôi quá, trời mưa sợ ngập nước kẹt xe… nên “xin kiếu” - tức từ chối. Buổi tiệc chợt có thêm người khách đặc biệt là thằng bé hàng xóm chạy qua tìm cái bong bóng bị bay lạc sang nhà ông, ông bèn “mời” nó luôn!
Lưu truyền cho thế hệ hôm nay
Thế hệ sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn từ sau ngày thống nhất có quan niệm thoải mái hơn trong cách lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống. Họ không quá cố chấp, nhất nhất điều gì cũng theo nếp cũ của ông bà cha mẹ. Nhất là phong tục thờ cúng tổ tiên và cúng giỗ ông bà cha mẹ quá cố, không có nhiều người giữ được nét đẹp truyền thống này. Tôi đến thăm chơi nhiều gia đình trẻ, có nhà cũng có bàn thờ nhưng hầu hết là do cha mẹ để lại. Nhiều gia đình trẻ mới ra riêng ở các căn hộ chung cư, từ tái định cư tới chung cư cao cấp, không có mấy người có bàn thờ gia tiên. Còn chuyện cúng giỗ hầu như rất tượng trưng, có người chẳng nhớ đến việc quan trọng này. Một người bạn trẻ của tôi gần 40 tuổi, tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn, ở một căn biệt thự sang trọng. Một lần đến thăm, thấy nhà cửa sang trọng nhưng hình như thiếu cái gì đó. Chợt nhớ, tôi hỏi nhà anh có thờ cúng gì không. Anh cho biết bàn thờ gia tiên ở trên sân thượng. Rồi anh đưa tôi lên tham quan. Bàn thờ hình như lâu rồi không nhang khói, trông khá hiu hắt. Anh bảo: “giỗ chạp ở dưới quê ông bà già lo rồi, ở đây em chỉ lập bàn thờ gia tiên chung với bàn thiêng thờ trời Phật thôi”.
Một bạn trẻ khác chưa tới 30 tuổi, còn độc thân, sống trong một căn hộ nhỏ chung cư nhưng sắp xếp khá gọn gàng. Có cả một ban thờ gắn sát tường phòng khách với di ảnh mẹ anh rất trang trọng. Anh cho biết mẹ anh mất sớm từ lúc anh mới 15 tuổi. Giỗ mẹ năm nào anh cũng về quê phụ cúng với cha, rồi hôm sau lên TP anh lại cúng hậu thường cho mẹ ở nơi đang sống. Để được ấm lòng.