Hậu Brexit, Anh sẽ gia tăng hiện diện tại Biển Đông?

Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 5-10 đã đăng bài phân tích cho rằng các thỏa thuận thương mại mới của Anh ở châu Á và châu Đại Dương đang mở ra khả năng Hải quân Hoàng gia Anh gia tăng sự hiện diện ở Biển Đông.

Động lực thúc đẩy Anh

Theo SCMP, dường như tất cả các lực lượng hải quân ở Biển Đông đều “để mắt" đến Trung Quốc và các hoạt động hàng hải khác trong khu vực nhằm đảm bảo các tuyến đường thương mại thông thoáng và ngăn chặn nạn cướp biển.

Hàng ngày, tại khu vực Vành đai Thái Bình Dương và Biển Đông đều có sự hiện diện đáng kể của hải quân các nước với trang thiết bị tối tân, cụ thể Hạm đội Bảy của Hải quân Mỹ, Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật, Hải quân Hoàng gia Úc, Hải quân Pháp và Hải quân Hoàng gia Anh.

Chính phủ Anh đang xem xét lần đầu tiên gửi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến châu Á vào năm 2021. Ảnh: AFP

Nhưng tại sao Hải quân Hoàng gia Anh và Hải quân Pháp lại tuần tra ở khu vực xa xôi này?

SCMP dẫn lời một sĩ quan hải quân cho biết mục đích là nhằm kiểm soát số ít tiền đồn còn lại của Anh và Pháp ở các quần đảo như Pitcairn (thuộc Anh), New Caledonia và Polynesia (thuộc Pháp), song lý do chủ yếu là nhằm đảm bảo các tuyến thương mại trên biển thông thoáng.

Là một quốc đảo, ngành công nghiệp hàng hải đóng vai trò rất quan trọng đối với thương mại của Anh, chiếm khoảng 95% tổng xuất nhập khẩu của nước này, trong đó khoảng 12% đi qua khu vực Biển Đông và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, điều này sắp thay đổi đáng kể do Brexit.

Brexit "không thỏa thuận"

Trước nguy cơ không ký kết được một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU), Anh đang tìm kiếm các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung là Úc và New Zealand để thực hiện các thỏa thuận thương mại mới. Điều này đồng nghĩa toàn bộ thương mại trên biển của Anh phải đi qua khu vực châu Á, trong đó, các giao dịch thương mại mới ở Đông Nam Á sẽ rất quan trọng.

Anh đã lên kế hoạch đàm phán thương mại song phương với Singapore và Việt Nam, và các cuộc đàm phán có thể mở rộng sang Thái Lan và Indonesia. Anh cũng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước thuộc địa cũ là Malaysia và Myanmar và có thể đi đến đàm phán với hai nước này. Do đó, quan hệ thương mại của Anh sẽ có sự dịch chuyển lớn từ EU sang châu Á và châu Đại Dương.

Trước đó, chính phủ Anh hồi tháng 9 đã đạt được một thỏa thuận thương mại mới với Nhật, theo đó 99% hàng hóa xuất khẩu của nước này sang Nhật sẽ được miễn thuế. Trong tương lai, khi lượng hàng hóa xuất khẩu của Anh đến Nhật tăng, hoạt động vận chuyển qua lại giữa hai nước sẽ ngày càng quan trọng, đòi hỏi sự an toàn trên trên các tuyến đường vận chuyển.

Quan hệ thương mại Anh - Nhật sẽ được tiến hành trên tuyến đường hàng hải dài khoảng 24.076 km, đi qua eo biển Malacca, khu vực Biển Đông đang tranh chấp, biển Philippines và vào Bắc Thái Bình Dương.

Chia sẻ gánh nặng an ninh hàng hải

Nếu Anh tăng cường quan hệ thương mại với Mỹ và thúc đẩy khả năng tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nước này sẽ có thêm nghĩa vụ tuần tra các vùng biển ở Vành đai Thái Bình Dương.

Hải quân Hoàng gia Anh có thể chia sẻ bớt gánh nặng cho Hạm đội Bảy của Mỹ trong việc duy trì an ninh hàng hải ở châu Á. Chính phủ Anh đang xem xét lần đầu tiên triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth - được trang bị các máy bay chiến đấu F-35B mới của Mỹ - đến châu Á vào năm 2021.

Tàu sân bay USS John C. Stennis của Hải quân Mỹ tại Biển Đông. Ảnh: REUTERS

Chính ý định này đã châm ngòi cho những chỉ trích gay gắt từ Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming) từng tuyên bố rằng sự hiện diện của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tại Biển Đông có thể vấp phải phản ứng quân sự từ Bắc Kinh.

Tuy nhiên, việc Anh triển khai tàu sân bay sẽ là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy nước này đang tăng cường sự hiện diện của mình và, theo quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đang "chia sẻ" sứ mệnh tuần tra Biển Đông. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Anh có nhiều dự định hơn là chỉ bảo vệ các tuyến thương mại trước nguy cơ cướp biển.

Hiện diện tại Singapore

Các tàu sân bay không thể làm nhiệm vụ một mình. Khi triển khai tàu HMS Queen Elizabeth, Hải quân Hoàng gia Anh thường điều thêm hai khinh hạm và đôi khi còn có hải quân các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hộ tống.

Tại châu Á, Hải quân Hoàng gia Anh có một cơ sở sửa chữa và hỗ trợ hậu cần ở Singapore. Thời gian tới, cơ sở này có thể sẽ được sử dụng nhiều hơn và nhiều khả năng sẽ có các chuyến thăm cảng của tàu sân bay. Điều này có thể khiến Trung Quốc không hài lòng và ngay cả Singapore cũng vậy vì nước này vốn rất cẩn trọng để không bị coi là đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông.

Có vẻ như Anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển hoạt động kinh doanh khỏi EU càng sớm càng tốt và hợp tác nhiều hơn với các nước châu Á. Nếu Anh tăng cường hiện diện ở vùng biến nhạy cảm của khu vực, sẽ cần những "cái đầu lạnh" để đảm bảo các tuyến thương mại trên biển vẫn thông thương nhưng không khiến căng thẳng leo thang.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm