Viện nghiên cứu ISEAS - Yusof Ishak (Singapore) ngày 28-9 đăng bài phân tích về khả năng Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự tại Đông Nam Á trong thời gian tới.
Theo đó, bài phân tích nhận định khả năng này là thấp do còn phụ thuộc vào mức độ sẵn lòng của các quốc gia sở tại, ngoại trừ trường hợp của Campuchia.
Ba mô hình căn cứ quân sự của Trung Quốc
Theo báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ về các lực lượng vũ trang Trung Quốc, Bắc Kinh đang “đẩy mạnh việc thiết lập các cơ sở hậu cần và đồn trú ở nước ngoài nhằm cho phép quân đội triển khai và duy trì sức mạnh quân sự ở tầm xa”.
Tuy nhiên, điều khiến các nhà quan sát phải chú ý là việc Lầu Năm Góc khẳng định rằng Bắc Kinh nhiều khả năng đã cân nhắc các địa điểm để đặt cơ sở hậu cần quân sự tại năm quốc gia Đông Nam Á gồm Campuchia, Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Singapore (cũng như một số nước khác tại Trung Đông và Nam Á).
Quân đội Trung Quốc tại Djibouti. Ảnh: WU DENGFENG / AP
Báo cáo cho rằng Trung Quốc có thể đã xem xét ba mô hình hậu cần quân sự sau:
Một, được ưu tiên tiếp cận cơ sở hạ tầng thương mại ở nước ngoài. Đây là mô hình Trung Quốc sử dụng từ năm 2017 để hỗ trợ sự hiện diện quân sự của họ ở Djibouti.
Hai, các cơ sở hậu cần độc quyền của quân đội Trung Quốc với các nguồn cung ứng được định vị sẵn cùng vị trí với cơ sở hạ tầng thương mại.
Ba, các căn cứ quân sự với lực lượng đồn trú.
Mỗi mô hình nói trên đều sẽ hỗ trợ cho quân đội Trung Quốc trong các cuộc xung đột cũng như giúp thúc đẩy ngoại giao quốc phòng và các hoạt động thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc.
Trung Quốc theo hình thức căn cứ quân sự của Mỹ?
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, cả Mỹ và Nga đều có các căn cứ quân sự tại Đông Nam Á. Sau chiến tranh lạnh, các cường quốc lớn đã đàm phán về các thỏa thuận tiếp cận với một số nước Đông Nam Á, theo đó các nước này sẽ cho phép tàu chiến ghé thăm, tập trận huấn luyện hay sử dụng các sân bay quân sự. Mỹ gọi hình thức này là "các địa điểm không phải căn cứ".
Các thỏa thuận tiếp cận này có chi phí rẻ hơn căn cứ quân sự và ít nhạy cảm chính trị hơn cho quốc gia sở tại. Đáng chú ý, Lầu Năm Góc cho rằng các kế hoạch của Trung Quốc nhằm lập các cơ sở hậu cần quân sự như vậy là khá giống mô hình “các địa điểm không phải căn cứ" của Mỹ.
Với các thỏa thuận tiếp cận như vậy, các quốc gia Đông Nam Á có thể tăng sự hiện diện quân sự của nước ngoài, từ đó giúp duy trì cán cân quyền lực. Các chuyến thăm của tàu chiến và máy bay cũng tạo ra nguồn doanh thu cho các quốc gia trong khu vực thông qua việc thu phí cập bến và hạ cánh cũng như các dịch vụ bảo dưỡng.
Chẳng hạn, Singapore tiếp đón các lực lượng của Mỹ và Anh tại Sembawang Wharves (một cơ sở thương mại). Brunei có một tiểu đoàn lính Gurkha của quân đội Anh (dù đây không phải căn cứ). Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường năm 2014 cho phép Mỹ hiện diện luân phiên lực lượng tại năm căn cứ quân sự của Philippines.
Cơ hội nào cho Trung Quốc?
Vậy có khả năng một quốc gia nào đó trong số năm quốc gia Đông Nam Á mà Mỹ đề cập trong báo cáo sẽ sẵn sàng tiếp đón lực lượng quân sự của Trung Quốc hay không?
Trong hầu hết các trường hợp, khả năng này là rất thấp. Trong số năm quốc gia, Myanmar và Campuchia là những ứng viên tiềm năng nhất cho kế hoạch của Trung Quốc.
Lực lượng hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Preah Sihanouk hồi tháng 7-2019. Ảnh: TANG CHHIN SOTHY / AFP
Indonesia đã nhanh chóng bác bỏ quan điểm rằng nước này sẽ cho nước ngoài thiết lập sự hiện diện quân sự ở đất nước quần đảo này. Ngoại trưởng Retno Marsudi khẳng định chắc chắn rằng theo các nguyên tắc chính sách đối ngoại của Indonesia, “lãnh thổ Indonesia không thể và sẽ không bao giờ được sử dụng làm căn cứ quân sự của bất cứ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc”.
Singapore cung cấp các dịch vụ thương mại tương tự cho các tàu chiến Trung Quốc ghé thăm giống như với tàu của các nước khác. Tháng 10-2019, Singapore và Trung Quốc đã ký thoả thuận quốc phòng tăng cường, trong đó có việc thiết lập các thoả thuận hỗ trợ hậu cần lẫn nhau. Ý nghĩa đằng sau thỏa thuận này là gì vẫn cần phải theo dõi. Tuy nhiên, sự hiện diện lâu dài của quân đội Trung Quốc tại Singapore dường như rất khó xảy ra do mối quan hệ an ninh chặt chẽ giữa Singapore và Mỹ.
Thái Lan cũng đã có mối quan hệ quốc phòng gần gũi với Bắc Kinh, và các kế hoạch trong tương lai kêu gọi việc thiết lập một cơ sở sản xuất vũ khí chung, một trung tâm bảo dưỡng xe tăng cũng như các phương tiện khác mà Thái Lan mua từ Trung Quốc. Tuy nhiên, do Thái Lan đang nỗ lực giữ cân bằng trong mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, một cơ sở hậu cần cho quân đội Trung Quốc trên đất Thái Lan có vẻ không khả thi, ít nhất là trong ngắn hạn.
Đối với Myanmar, Trung Quốc hiện tài trợ một loạt dự án theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) tại nước này, trong đó có cảng Kyaukphyu. Lầu Năm Góc cho rằng các dự án BRI có thể tạo ra những lợi thế quân sự tiềm tàng cho Trung Quốc. Tuy nhiên, theo một báo cáo gần đây, do rào cản hiến pháp đối với lực lượng quân sự nước ngoài tại Myanmar, Kyaukphyu có vẻ ít có khả năng sẽ trở thành một căn cứ quân sự thực sự của Trung Quốc, dù nó có thể sẽ là “điểm dừng cung cấp và bổ sung" cho quân đội Trung Quốc.
Về Campuchia, chính phủ Mỹ năm 2019 đã lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng Phnom Penh đã bí mật đồng ý để Trung Quốc thiết lập các cơ sở quân sự tại nước này. Mối lo ngại tập trung vào hai địa điểm: căn cứ hải quân Ream và một cảng nước sâu và sân bay do Trung Quốc phát triển tại Dara Sakor. Thủ tướng Hun Sen đã bác bỏ lo ngại của Mỹ, lưu ý rằng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc sẽ vi phạm Hiến pháp. Tuy nhiên, Mỹ không tin điều đó và cho rằng Campuchia có thể sửa đổi Hiến pháp.
Điều quan trọng cần lưu ý là báo cáo của Lầu Năm Góc đã đưa ra cảnh báo: Bắc Kinh thừa nhận rằng kế hoạch thiết lập các cơ sở quân sự ở nước ngoài "sẽ bị hạn chẽ do mức độ sự sẵn lòng của các quốc gia chủ nhà tiềm năng trong việc hỗ trợ sự hiện diện của quân sự nước này".
Ít nhất là vào thời điểm hiện tại, không nhiều nước ở Đông Nam Á sẵn lòng với điều đó, ngoại trừ khả năng Campuchia.