Vào chiều 21-9, tại TP.HCM, lần đầu tiên Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) phối hợp cùng bốn đơn vị phát hành phim lớn nhất của Việt Nam (VN) hiện nay gồm CJ CGV VN, Galaxy Cinema, Lotte Cinema VN và BHD Star Cineplex tổ chức buổi tọa đàm “Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu COVID-19”.
Ngoài các nhà phát hành, cơ quan quản lý, buổi tọa đàm còn có sự tham gia của nhiều đạo diễn, nhà sản xuất phim như Charlie Nguyễn, Trương Ngọc Ánh, Hồng Ánh, Phan Gia Nhật Linh, Trịnh Đình Anh Minh, Nguyễn Quang Huy, Lý Hải, Luk Vân…
Lần đầu tiên các nhà phát hành không khiếu nại nhau
Từ trước đến nay, thị trường phim chứng kiến nhiều cuộc khiếu nại của các nhà phát hành phim BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP… với đại gia phát hành tại VN là CJ CGV VN. Hầu hết các khiếu nại xoay quanh việc CJ CGV chèn ép các phim của các nhà sản xuất Việt phát hành chính qua các nhà phát hành trên mà không phải CJ CGV. Việc chèn ép từ tỉ lệ ăn chia lợi nhuận, xếp giờ chiếu xấu…, tức mọi cách thức để phim “văng” sớm khỏi hệ thống CGV - hệ thống rạp lớn nhất VN hiện nay.
Vì thế, khi Cục Điện ảnh với danh nghĩa chủ trì cùng “mời” bốn nhà phát hành ngồi lại để cứu vãn điện ảnh Việt gần như 0 đồng trong hai đợt dịch có thể xem là khởi đầu cho một sự chung tay. Nói như ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, thì: “Để điện ảnh Việt khôi phục lại trạng thái ban đầu, chúng ta cần sự chung tay, góp sức của các đơn vị hoạt động trong ngành”.
Ông Tạ Quang Đông cũng chia sẻ thực trạng điện ảnh Việt suốt thời gian COVID-19 vừa qua: “Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, ngành nghề, điện ảnh VN cũng không nằm ngoài guồng quay này. Nhiều dự án phim bị tạm hoãn hoặc giãn tiến độ do giãn cách xã hội. Các đoàn phim cố tìm biện pháp an toàn cho môi trường làm việc, hoặc chỉ tiến hành khảo sát bối cảnh, chuẩn bị về kỹ thuật, giảm quy mô cảnh quay… để cố gắng hoàn thành dự án phim. Nhiều phim làm xong không thể ra mắt. Riêng với phim nước ngoài hầu như không có phim bom tấn. Doanh thu rạp phim cũng từ đó giảm sút, nhiều rạp cắt giảm nhân viên, hoạt động cầm chừng và có cả nguy cơ đóng cửa…”.
Các nhà phát hành, nhà sản xuất của điện ảnh Việt tại tọa đàm “Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu COVID-19” vào chiều 21-9 ở TP.HCM. Ảnh: QT
Ròm phát hành ngày 25-9 sắp tới, gánh sứ mệnh mở màn cho việc kéo khán giả đến rạp xem phim Việt sau đại dịch COVID-19. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)
Không có phim bom tấn ngoại là cơ hội cho điện ảnh nội địa
Thực trạng ông Tạ Quang Đông nêu cũng được bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Giám đốc khối vận hành Galaxy Cinema, chứng minh. Cụ thể, trong năm 2019, phim Việt ra rạp là 41 phim, chiếm 30% thị phần doanh thu từ phim. Từ tháng 1 đến tháng 3-2020 (trước khi giãn cách xã hội, rạp phim đóng cửa vì COVID-19), có chín phim Việt ra rạp, chiếm 51,8% thị phần doanh thu. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến tháng 8 (sau đợt giãn cách xã hội và trong đợt dịch thứ hai), chỉ có năm phim Việt ra rạp và thị phần doanh thu từ phim Việt chỉ còn 7,9%.
Trăm dâu đổ đầu… thằng Ròm Sau khi “lên bờ xuống ruộng” vì cơ chế kiểm duyệt phim, tạm hoãn ra rạp vì dịch COVID-19 trở lại lần hai, giờ bộ phim Ròm lại gánh sứ mệnh mở màn cho việc thúc đẩy sự ra rạp trở lại của khán giả sau đại dịch. Ròm là bộ phim Việt đầu tiên ra rạp (ngày 25-9) sau dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ có khoảng bốn phim Việt khác ra rạp như Sài Gòn sau cơn mưa, Tiệc trăng máu, Chị Mười Ba… |
Dù vậy, theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, khán giả vẫn sẽ đến rạp nếu có những phim thu hút được họ. Đơn cử như bộ phim Peninsula (Hàn Quốc) đã phá vỡ kỷ lục phòng vé tháng 7 khi thu được từ thị trường VN 86 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung CJ CGV VN, cũng đưa ra ví dụ: “Trong đại dịch COVID-19, Trung Quốc đóng cửa rạp từ tháng 2 đến cuối tháng 8 mới mở. Tuy nhiên, khi mở, thị trường ngay lập tức quay trở lại sự tăng trưởng còn hơn cùng kỳ năm ngoái. Họ tăng 15% doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái nhờ một bộ phim nội địa. Thực tế tương tự cũng đang diễn ra ở Đài Loan, Hong Kong… dù họ không có phim bom tấn nhập và phát triển phim nội địa”.
Ông Tạ Quang Đông cũng khẳng định: Chính khi các phim bom tấn nước ngoài dời lịch, đây là thời điểm vàng cho phim nội địa VN. Vì thế, “các nhà sản xuất phim cần phối hợp chặt chẽ với nhau, phân bố lịch khởi chiếu hợp lý, tránh việc phim Việt cạnh tranh nhau cùng thời điểm hoặc đối đầu trực tiếp với bom tấn nước ngoài. Các nhà phát hành phim nên hỗ trợ quảng cáo, tăng suất chiếu cho phim Việt, nhất là vào các khung giờ vàng. Triển khai các chương trình ưu đãi kích cầu phim Việt đến với khán giả để tạo lại thói quen đến rạp xem phim cho người hâm mộ” - ông Đông nhấn mạnh.
Thẩm định và phân loại chứ không kiểm duyệt Thời gian qua, rất nhiều phim Việt không qua được ải kiểm duyệt của Cục Điện ảnh và đây được xem là cản trở lớn nhất cho sự phát triển của điện ảnh Việt. Chia sẻ về vấn đề này tại tọa đàm “Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu COVID-19”, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh VN, cho rằng: “Hiện tại chúng ta đang có hai hội đồng là Hội đồng trung ương thẩm định phim truyện và Hội đồng trung ương thẩm định phim ngắn (tài liệu, phim ngắn…) có chức năng cấp phép phổ biến phim. Mọi người thường dùng chữ “kiểm duyệt” làm người làm phim không thoải mái lắm. Chính xác là Hội đồng thẩm định và phân loại phim. Hội đồng thẩm định dựa trên Luật Điện ảnh và phân loại phim theo độ tuổi C13-16-18… Hội đồng không phân biệt phim trong hay ngoài nước, Nhà nước hay tư nhân, mà công tâm và dựa trên luật. Mọi người thường có tâm lý phân biệt giữa thẩm định phim nhập thoáng hơn phim VN, tuy nhiên trên thực tế hội đồng làm việc căn cứ trên luật. Cho đến giờ, tỉ lệ phim nhập không cho phổ biến cao hơn rất nhiều so với phim VN sản xuất. Với phim các nhà sản xuất VN thì cục hoàn toàn không thẩm định kịch bản và quy trình thẩm định y như một phim nhập khẩu. Riêng với các phim có thành phần chính sáng tác (nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn) hay góp vốn nước ngoài mới có khâu thẩm định kịch bản”. |