Câu chuyện của đội ngũ y, bác sĩ khoa Săn sóc đặc biệt, BV Nhân Ái tại lễ tuyên dương những gương tập thể, cá nhân thầm lặng mà cao cả lần thứ 3-2018 trong phong trào thi đua yêu nước của TP khiến nhiều người xúc động, rơi nước mắt.
Lễ tuyên dương do UBND TP.HCM, Ủy ban MTTQ phối hợp tổ chức vào sáng 11-1. 17 tập thể, 79 cá nhân tiêu biểu đã được tuyên dương và trao bằng khen.
Nghe chuyện xúc động, phó chủ tịch tặng ngay 50 triệu đồng
BS Trầm Văn Chánh, Trưởng khoa Săn sóc đặc biệt, BV Nhân Ái, chia sẻ nhiều năm qua, các bác sĩ, điều dưỡng của khoa đã chia sẻ phần cơm của mình với bệnh nhân. “Chế độ ăn của bệnh nhân chỉ gói gọn trong 22.000 đồng/người/ngày, chia làm ba bữa ăn. Nhưng những bệnh nhân lao, nhiễm HIV giai đoạn 4, 5 dường như rất thèm ăn, vì vậy chúng tôi đã chia bớt một phần cơm của mình cho họ hoặc hỏi họ muốn ăn gì thì chúng tôi góp tiền mua về nấu. Nhiều bệnh nhân hôm trước được ăn món mình thèm rồi hôm sau đã qua đời” - BS Chánh xúc động kể.
BV Nhân Ái thuộc Sở Y tế TP.HCM nhưng đóng trên địa bàn xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước. Nhiều người ví nơi đây như “mảnh đất chết” vì chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.
Khoa Săn sóc đặc biệt hiện đang chăm sóc và điều trị trên 400 bệnh nhân lao, nhiễm HIV giai đoạn 4, 5 trong khi chỉ tiêu cho phép có 350 bệnh nhân. Trong số những bệnh nhân ở đây, khoảng 60%-70% bị gia đình bỏ rơi. Những y, bác sĩ, nhân viên điều dưỡng bỗng trở thành người thân, nơi nương tựa cuối cùng của những bệnh nhân “mồ côi” này. “Thấy bệnh nhân ăn được, có sức vượt qua bệnh chúng tôi rất vui. Thậm chí nếu chẳng may bệnh nhân qua đời mà người nhà không đến nhận, chúng tôi cũng sẵn lòng lo hậu sự” - trưởng điều dưỡng Phan Thị Hoa chia sẻ.
Cảm động trước tấm lòng của đội ngũ y, bác sĩ khoa Săn sóc đặc biệt, khi lên sân khấu trao bằng khen, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã bày tỏ sự trân trọng và dành tặng cho khoa số tiền 50 triệu đồng. Ngoài ra, các đơn vị khác cũng trao tặng số tiền 230 triệu đồng cho BV Nhân Ái.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh xúc động chia sẻ khi nghe câu chuyện nhường cơm tại BV Nhân Ái. Ảnh: hT
Những tấm gương thầm lặng mà cao cả
Buổi tuyên dương còn nhiều những con người bình dị, bằng cách rất riêng, họ thầm lặng, không ồn ào, không vụ lợi, hằng ngày góp phần tích cực để xây dựng TP có chất lượng sống tốt, luôn ấm áp tình người, giàu tính nhân văn “lá lành đùm lá rách”.
Đó là câu chuyện đầy tình người của Phòng khám Tuệ Tĩnh Đường Quan Âm tu viện (đường Trường Sa, phường 2, quận Phú Nhuận). Nơi đây đã khám, chữa bệnh miễn phí cho rất nhiều người từ 5 giờ 30 đến 11 giờ thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần.
Anh Hoàng Trọng Khánh, chú Bio của trẻ nghèo, từ năm 2010 đến nay đã mở lớp học miễn phí dạy cho trẻ em nghèo tại khu dân cư của mình. Mỗi ngày cứ sau khi tan làm, anh lại vội trở về phòng trọ để dạy kèm trẻ em nghèo quanh khu vực. Điều đáng nói, anh cũng chỉ là công nhân phân xưởng thuốc sát trùng Công ty Liên doanh Bio-Pharmachemie, quận 9. Dù lương thấp nhưng chính anh đã tự bỏ tiền túi mua bảng, bàn ghế, sắm sửa quạt… mở lớp đón trẻ em nghèo tới học. Ban đầu chỉ có vài em nhưng tiếng lành đồn xa, hiện nay lớp đã có hơn 20 em.
Chia sẻ về việc làm của mình, anh Khánh cho biết nó đến với anh rất tình cờ. Trong một lần đến chơi nhà bạn, thấy đám trẻ tranh luận về bài toán khó. Anh tới góp ý và hướng dẫn cách giải. Kể từ đó hễ có bài tập là mấy đứa lại đến tìm anh. “Mặt khác, qua tìm hiểu tôi thấy nhiều em gia đình xung quanh học không theo kịp chương trình. Hơn nữa, phần lớn các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện đi học thêm. Vì thế, tôi quyết định mở lớp dạy kèm ở nhà vào mỗi tối với hy vọng có thể giúp các em nắm vững kiến thức, xóa bỏ mặc cảm với bạn bè”.
24 năm gắn bó với những đứa trẻ tại lớp học tình thương phường 9, quận Phú Nhuận, hằng ngày cô Nguyễn Thị Oanh Loan dạy cho các em môn Anh văn, tin học và dạy nghề may, xâu chuỗi. Cô chia sẻ cảm thấy hạnh phúc lớn khi được gắn bó với những cô cậu học trò nghèo, đó có thể là cậu bé bán vé số, đánh giày... Bên cạnh việc dạy học, cô Loan còn vận động hỗ trợ tập vở, trang bị năm máy vi tính, năm máy may, chăm lo bảo hiểm y tế và dụng cụ học tập cho các em học sinh nghèo, tặng quà Tết. “Nhiều người trong gia đình bảo tôi nghỉ vì tuổi cao nhưng nếu tôi nghỉ thì ai dạy cho đám nhỏ. Tôi mong kiến thức mình mang lại giúp các em thoát khỏi cảnh nghèo khó”.
Hãy để tình yêu thương và lòng nhân ái nở hoa Chúng ta trân trọng vinh danh những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực của những tập thể, cá nhân đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tuổi tác và sức khỏe, ngày đêm hăng say làm việc vì nghĩa lớn, vì tình thương và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và cuộc sống con người. Đây là những tấm gương khẳng định giá trị chân-thiện-mỹ, mang yêu thương nuôi dưỡng cuộc sống ấm áp nghĩa tình. Tôi kêu gọi người dân TP hãy cùng nhân lên những điều tốt đẹp, bởi cho đi chính là nhận lại. Hãy để tình yêu thương và lòng nhân ái nở hoa trong lòng cuộc sống chúng ta. Để cái đẹp, cái tốt, cái nghĩa tình mãi trở thành nếp sống của con người TP. Ông NGUYỄN THÀNH PHONG, Chủ tịch UBND TP.HCM |