Những ngày này, ở TP.HCM chộn rộn hơn bởi dòng người nhập cư trở về hăm hở cho một khởi đầu mới trong năm. Còn ở BV Nhân Ái (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước, cách TP.HCM chỉ hơn 200 km), mùa xuân dường như chỉ hiện diện trong cây cỏ. Bởi ở đây, đặc biệt là khu nội C, nơi những bệnh nhân có HIV sự sống chỉ tính bằng ngày…
Neo giữ niềm tin và sự sống
BV Nhân Ái nằm ở huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) là BV chuyên khoa HIV/AIDS chuyên điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối. Cho đến thời điểm hiện tại, BV có gần 400 bệnh nhân. Nhưng có lẽ không ở đâu số bệnh nhân có thể trồi sụt nhanh như ở đây, bởi có thể chiều nay họ còn ngồi thèm ly cà phê thì đến đêm họ đã rời xa cõi tạm. Chỉ trong tháng cuối cùng của năm 2017, khi thời tiết Bình Phước trở lạnh về đêm, đã có khoảng 17-18 bệnh nhân ra đi.
Đội ngũ y bác sĩ của BV Nhân Ái khá đặc biệt, ngoài những y bác sĩ bình thường thì ở đây luôn có sự trợ giúp của trên dưới 10 soeur (nữ tu Công giáo) tham gia chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân, đặc biệt là chăm sóc về tinh thần. Lâu nhất là soeur Maria Lê Thị Xoài, soeur có mặt tại Nhân Ái từ năm 2009 đến nay. Các soeur như Cecilia Trần Thị Điều, Maria Vũ Thị Bích Liên… đến Nhân Ái từ năm 2012.
Với những bệnh nhân HIV ở Nhân Ái, các soeur như những người gieo niềm hy vọng cho họ, để mỗi ngày họ còn sống là một ngày vui…
Anh Phạm Tuấn Đạt (33 tuổi), một bệnh nhân ở Nhân Ái suốt 10 năm qua, chia sẻ: “Tôi nhiễm HIV từ năm 2003 do nghiện từ năm 12 tuổi. Tôi từng bị biến chứng chuyển qua tai biến, liệt chân và HIV tấn công tròng tử mắt. Cứ nghĩ đã liệt, mắt mù và lao… nên tôi đã bỏ uống thuốc, bỏ tất cả quá trình điều trị, bởi tôi thật sự không còn thiết sống. Ngoài ra, chứng kiến xung quanh mình cả trăm người ra đi…, tôi nghĩ có trị cũng chẳng còn ích chi. Những lúc đó, người thân lên thăm tôi cũng không thiết, bởi suy cho cùng, bản thân mình tiểu tiện còn không tự chủ được, cha mẹ nào chăm sóc nổi mình. Nhưng soeur Điều đã luôn bên cạnh chăm sóc, rửa ráy, vệ sinh tất cả những gì ô uế nhất của tôi. Từ đó tôi đã nghĩ lại…”.
Anh Nguyễn Hoàng Phi Công và bản nhạc Trở lại chính mình do anh sáng tác, bây giờ Công đã liệt, chơi đàn cũng nằm để chơi. Ảnh: QUỲNH TRANG
Tạo bình an, hy vọng cho bệnh nhân
Bây giờ anh Đạt mắt vẫn mù nhưng sức khỏe tiến triển hơn, anh đi lại được và ngày ngày phụ giúp các soeur làm các sản phẩm trang trí, lưu niệm bằng cườm.
“BV nuôi hết rồi nhưng nhà tôi vẫn gửi lên mỗi tháng cho 700.000 đồng, tôi phụ các souer xỏ hạt cườm mỗi tháng được thêm 150.000 đồng nữa. Suốt nhiều năm qua, nhiều lúc tôi nghĩ về nhà mình thì cha mẹ vẫn thương nhưng hàng xóm, dòng họ chắc gì không xa lánh…, mình ở trên này với anh em đồng hoàn cảnh và có các soeur chia sẻ còn dễ sống hơn” - anh Đạt kể.
Không chỉ là người gieo những niềm hy vọng cho bệnh nhân, các soeur còn là người chăm từng miếng ăn, giấc ngủ cho bệnh nhân ở đây. “Ở đây, cái chết đến bất ngờ, có bệnh nhân chiều vẫn còn chơi rồi đến 22 giờ đêm bỗng gọi mình kêu thèm cà phê sữa, mình đã chạy qua khu nhà khác lấy nước nóng về pha, uống được mấy ngụm thì 3 giờ sáng bệnh nhân qua đời… Bữa ăn có khi chúng tôi nấu thêm cháo bò, nước ép trái cây… tùy thể trạng từng bệnh nhân hoặc nhu cầu mà mình bổ sung cho các bạn” - soeur Cecilia Trần Thị Điều cũng là nhân viên y tế của BV Nhân Ái kể.
Sự tĩnh tâm, niềm vui sống được nhen lên trong lòng các bệnh nhân ở BV Nhân Ái. Ảnh: QUỲNH TRANG
Khi phải đối diện với cái chết đến bất cứ lúc nào, các bệnh nhân ở đây thường rơi vào trạng thái bi quan, muốn buông xuôi, bỏ mặc tất cả, chẳng muốn ăn uống, chẳng thiết tha với thuốc men điều trị. Những lúc đó sự chia sẻ, tâm tình kịp thời của các soeur sẽ dần dần gieo vào lòng bệnh nhân niềm tin yêu cuộc sống. Trong một buổi sinh hoạt, anh Phạm Tuấn Đạt đã không ngần ngại chia sẻ: “Chỉ cần cho tôi ánh sáng đức tin, tâm hồn tôi sẽ được bình an và hân hoan”.
Nghĩ về các soeur, về những tấm lòng bao dung, nhân hậu ở đây, người viết nghe văng vẳng mãi lời đáp ca trong một thánh lễ tại BV Nhân Ái: “Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ”…
Trở lại chính mình, trở lại với đời Anh Nguyễn Hoàng Phi Công là người nhiễm HIV năm 1997, năm 2007 anh bị liệt và nhiễm lao, đến năm 2011 thì anh đến BV Nhân Ái. Dù bây giờ nằm một chỗ nhưng Công vẫn có niềm vui với âm nhạc mỗi ngày. “Khi vào đây, có ba Tâm nhận đỡ đầu, có các soeur vỗ về, chăm sóc, mỗi ngày tôi nhận thấy niềm vui đến với mình mỗi lớn hơn. Giờ tôi rất thích vẽ, tự học đàn và chơi guitar” - anh Công kể. Ca khúc đầu tay của anh Công có tựa Trở lại chính mình, nội dung nói về câu chuyện của chính anh và những bạn bè nhiễm HIV xung quanh. Bài hát có câu ca như lời nhắc rằng: “Mẹ cha thân yêu, con quyết làm lại cuộc đời, cho dù bây giờ thân tàn xác phế bơ vơ. Mẹ tin nơi con, chiến thắng trở lại chính mình, hiên ngang làm người, không thẹn với đời, mẹ ơi!”. |