Chúng ta ai cũng hiểu vai trò quan trọng của đa dạng sinh học (ĐDSH) trong cuộc sống. Đó là một phần không thể thiếu, đảm bảo cho sự tồn tại của con người và Trái đất. Thế nhưng mỗi ngày trôi qua, con người lại từng bước tận diệt chính nguồn sống của mình.
Tận diệt tê giác
Nhiều năm qua, ngoài việc liên tục tổ chức các chương trình bảo vệ môi trường thì hoạt động bảo tồn ĐDSH luôn được Sở TN&MT TP.HCM đặc biệt chú trọng. Điều này thể hiện qua các sự kiện như Hội thi vẽ tranh tuyên truyền bảo vệ TN&MT biển, hải đảo cấp TP; Chúng em cùng nhau bảo vệ rừng hưởng ứng ngày Quốc tế ĐDSH; Tìm hiểu về ĐDSH cấp TP… với nhiều hoạt động dành cho các em học sinh. Qua đó, các em học được làm thế nào để cứu hộ, tìm kiếm những con vật thất lạc, có lòng thương cảm, quan tâm, bảo vệ các loài động vật.
Những con tê giác tội nghiệp cần được con người che chở, bảo vệ chứ không phải giết hại. Ảnh: BRENT STIRTON
Tháng 11-2011, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF), Quỹ bảo tồn tê giác quốc tế (IRF) cho biết con tê giác Java một sừng cuối cùng của Việt Nam đã bị giết tại rừng quốc gia Cát Tiên. Từ đây, người ta tự hỏi rằng điều gì đang xảy ra với những con tê giác tội nghiệp.
Tại thảo luận bàn tròn về tê giác diễn ra mới đây, Tổ chức WildAid, African Wildlife Foundation, Trung tâm CHANCE đã chia sẻ những thông tin đáng báo động. Năm 2013, nạn săn bắn tê giác tăng kỷ lục với 1.004 cá thể bị giết để lấy sừng tại Nam Phi. Báo cáo mới nhất của Bộ Môi trường nước này cho biết đến hết ngày 26-8 có ít nhất 658 tê giác bị giết hại, gấp nhiều lần so với số lượng 13 con bị giết vào năm 2007. Việc săn bắn tê giác không còn nhỏ lẻ như trước mà chúng đã biến thể thành những băng nhóm tội phạm có tổ chức. Với đà săn bắn này thì dự đoán chỉ trong vòng sáu năm nữa, tê giác sẽ tuyệt chủng. Một thông tin đáng buồn là Trung Quốc, Việt Nam trở thành hai thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất thế giới (*).
Lời đồn tai hại
Chẳng biết tự khi nào người ta tin rằng sừng tê giác chữa được ung thư. Lời đồn kinh khủng ấy lan truyền chóng mặt, kết quả là những con tê giác bị giết hại. BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, chia sẻ sừng tê giác không có tác dụng chữa ung thư, chưa có trường hợp nào ung thư được trị hết bằng việc sử dụng sừng tê giác. Ông minh chứng điều này qua những nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới. Con người sử dụng sừng tê giác chẳng qua giống như đang ăn móng tay, tóc của chính mình.
Vì lợi nhuận tiền tỉ mà những kẻ xấu còn đến cả Nam Phi để săn tìm tê giác. Với tư cách đại sứ thiện chí chiến dịch Chấm dứt sử dụng sừng tê, nhạc sĩ-ca sĩ Thanh Bùi có chuyến trải nghiệm Nam Phi vào tháng 4 vừa qua. Thanh Bùi chia sẻ khi đến Nam Phi, anh đã mất bốn tiếng đồng hồ bị giữ và “tra hỏi” tại phi trường. Mặc dù rất khó chịu nhưng Thanh Bùi cho biết anh hiểu lý do vì sao người ta lại dè chừng với người Việt Nam. Bởi năm vừa rồi hơn 1.000 con tê giác bị giết, hơn 100 người bị bắt, trong đó chiếm đa số là người Việt.
Vài tháng trước đây, người ta truyền cho nhau một hình ảnh đau lòng. Một con tê giác mẹ bị giết lấy sừng khi trong bụng đang mang thai. Thậm chí một cán bộ kiểm lâm đã bị giết hại khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ con mẹ. Cảnh tượng này dấy lên phẫn nộ của cộng đồng quốc tế, họ cho rằng Việt Nam và Trung Quốc chính là hai thủ phạm tày đình.
Người Việt ta từ ngàn xưa có truyền thống tương thân tương ái, không chỉ với đồng loại mà cả vạn vật sống xung quanh. Thế nhưng những nét đẹp ấy đang dần trở nên méo mó, xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế. Phải chăng con người đang dần mất đi lòng thương và tính nhân đạo?
NGỌC CHÂU
Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Minh Hồng - Giám đốc Trung tâm CHANCE bày tỏ sự khó khăn khi triển khai chiến dịch Chấm dứt sử dụng sừng tê tại Việt Nam. Xác định những người giàu có thường sử dụng sừng tê giác nên tổ chức tìm đến họ để thuyết phục hợp tác làm đại sứ cho chương trình. Tuy nhiên, kết quả chỉ là những cái lắc đầu từ chối. Thậm chí vấn đề này cũng xảy ra khi tiếp xúc với một số đơn vị truyền thông. Thế là mong muốn nâng cao nhận thức cộng đồng về việc chấm dứt sử dụng sừng tê giác đi vào bế tắc. Vì vậy, CHANCE rất mong muốn nhận được ý kiến đóng góp tìm hướng đi thế nào để thay đổi thói quen, nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng sừng tê giác. |