Điều này dẫn đến việc bị can, bị cáo bị tạm giam kéo dài, ảnh hưởng đến quyền con người trong tố tụng, không phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013.
Nhằm bảo đảm việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung được tiến hành chặt chẽ, tránh lạm dụng kéo dài thời gian tố tụng, BLTTHS 2015 (có hiệu lực từ 1-7-2016) đã bổ sung điều luật để quy định cụ thể các căn cứ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; trách nhiệm của CQĐT trong việc thực hiện các yêu cầu của VKS nêu trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Đồng thời để bảo đảm việc giải quyết vụ án được khẩn trương, BLTTHS 2015 quy định trường hợp tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nếu xét thấy có thể bổ sung chứng cứ, tài liệu thì VKS trực tiếp bổ sung mà không nhất thiết phải trả cho CQĐT.
VKS ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong thời hạn quyết định truy tố quy định tại khoản 1 Điều 240 BLTTHS 2015. Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 và Điều 280 BLTTHS 2015. HĐXX ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung phải theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 298 và khoản 6 Điều 326 BLTTHS 2015.
Thời hạn điều tra bổ sung được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 174 BLTTHS 2015: Thời hạn do VKS trả hồ sơ không quá hai tháng; do tòa án trả hồ sơ không quá một tháng tính từ ngày CQĐT nhận lại hồ sơ vụ án và quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung đến khi CQĐT có bản kết luận điều tra bổ sung. Đặc biệt, VKS chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và HĐXX chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần.
Như vậy, từ ngày 1-7-2016, kiểm sát viên, thẩm phán tiến hành tố tụng phải nghiên cứu toàn diện hồ sơ để phát hiện các trường hợp phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đồng thời phải kịp thời ra quyết định, không được để hết thời hạn quyết định truy tố hoặc hết thời hạn chuẩn bị xét xử mới ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Được biết từ tháng 4-2016, viện trưởng VKSND Tối cao đã ban hành quy định về xử lý kỷ luật trong ngành kiểm sát, trong đó quy định kiểm sát viên sẽ bị xử lý kỷ luật nếu để xảy ra trường hợp tòa án trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung có lỗi của mình vượt quá chỉ tiêu theo quy chế, quy định của ngành. Mặt khác, để thi hành thống nhất các quy định về trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo BLTTHS 2015, Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao chuẩn bị ban hành thông tư liên tịch. Hy vọng với quy định mới cùng sự chuẩn bị nghiêm túc của các cơ quan chức năng, tình trạng án trả hồ sơ tới lui sẽ chấm dứt.