Ngày 25-5, bác sĩ Lê Hữu Phúc, phụ trách Khoa Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, số lượng bệnh nhi mắc bệnh lý lõm ngực tại Khoa cũng như BV đang tăng với số lượng gấp đôi so với cùng kỳ những năm trước.
Cụ thể, mỗi năm toàn BV tiếp nhận khoảng 80 bệnh nhân, nhưng trong mùa hè năm 2017 số trẻ mắc bệnh lõm ngực bẩm sinh tăng đáng kể, hiện BV đang điều trị cho gần 150 trường hợp, có thời gian đỉnh điểm một ngày Khoa tiếp nhận đến 8 bệnh nhân.
Theo các bác sĩ, lõm ngực bẩm sinh có tỉ lệ mắc bệnh không cao nhưng là một bệnh có tỉ lệ biến chứng cao. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh lõm ngực bẩm sinh không chỉ gây biến dạng về mặt thẩm mỹ mà còn gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe và sự phát triển.
Bác sĩ Đặng Khải Minh, Khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Nhi đồng 1, cho biết thêm, cứ 1.000 trẻ thì có 2-3 trẻ bị biến dạng ngực (lõm và lồi). Thực tế nhiều phụ huynh quá bận rộn với công việc nên không thường xuyên để ý đến những vấn đề sức khỏe của con. Do đó, dễ bỏ qua các triệu chứng liên quan đến căn bệnh bẩm sinh này. Những trường hợp trẻ bị ngực lõm nặng thì có thể phát hiện ra liên khi mới sinh, nhưng có trẻ 4-5 tuổi, thậm chí 13-14 mới được phát hiện.
"Biến chứng tác động mạnh nhất là những thay đổi về mặt thẩm mỹ. Bộ ngực bị biến dạng càng lớn, càng dậy thì, càng đến tuổi làm đẹp thì ngực càng bị biến dạng mạnh. Ngực trở nên gù vẹo, lõm sâu, co kéo. Đa phần các đối tượng đều cảm thấy xấu hổ, mất tự tin và ngại giao tiếp", bác sĩ Phúc nói.
Bên cạnh những biến đổi về mặt thẩm mỹ, lõm ngực còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về mặt sức khỏe. Tùy vào thể lõm ngực là chính tâm hay lệch tâm mà nó tác động tới tim như thế nào. Nhưng thường tim sẽ bị di đẩy ra khỏi vị trí bình thường. Sự tác động này thường làm thiếu hụt khối lượng máu tuần hoàn. Tim có thể lệch trái, lệch phải hoặc có khi bị ép ở chính giữa.
Hoạt động phát nhịp tim có thể bị nhanh lên hoặc chậm đi bất thường. Ngoài ảnh hưởng đến tim, lõm ngực còn ảnh hưởng đến phổi. Do dị tật lõm ngực nên thể tích lồng ngực bị giảm rất lớn. Hiện tượng này làm phổi không thể giãn ra được và do đó chức năng hô hấp không đảm bảo.
Theo bác sĩ nhắc nhở các bậc phụ huynh, cần đối xử với trẻ ngực lõm như trẻ không bị bệnh để trẻ phát triển tâm lý bình thường, không bị tự ti. Cho trẻ tập thể dục, tập bơi để tăng sự hô hấp. Sau 5 tuổi, mỗi năm trẻ cần được tái khám 1 lần. Khi trẻ lên 7-9 tuổi thì bác sĩ sẽ chụp CT scanner kiểm tra để quyết định có phẫu thuật hay không. Tuy nhiên, có một vài trường hợp đặc biệt, trẻ lõm ngực đẩy trái tim qua bên phải hoặc bị bệnh lý chèn ép phổi, tim… thì phải mổ ngay dù tuổi rất nhỏ.
Bên cạnh đó, những trẻ bị lõm ngực thường được phẫu thuật đặt thanh nâng ngực để nắn xương phát triển theo hướng mới. Cho đến khi xương phát triển cứng, chắc thì trở lại bệnh viện để mổ lấy thanh nâng ngực ra. Khoảng thời gian chờ thường kéo dài khoảng từ 2 đến 3 năm tùy tình trạng phát triển của xương. Trẻ 3-4 tuổi thường sẽ không can thiệp phẫu thuật nếu nhận thấy không quá nặng, mà theo dõi.