Tại kỳ thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin đã có cuộc gặp bên lề hội nghị hôm 28-6. Phát ngôn viên của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, ngày 30-6 sau đó đã có những chia sẻ về những trao đổi giữa lãnh đạo hai nước, theo hãng tin CNN.
“Tổng thống Mỹ đã tỏ ý muốn khởi động lại đối thoại. Về phía Nga, Tổng thống Putin từ lâu đã mong muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ, nhưng nếu không tìm thấy lợi ích chung của hai bên thì chúng tôi sẽ không thể đàm phán về điều đó. Tuy nhiên, lần đầu tiên chúng tôi đã tìm thấy điểm chung với ông Trump” - dẫn tuyên bố của ông Peskov.
CNN tiết lộ nội dung lãnh đạo Nga, Mỹ đã thảo luận bao gồm các vấn đề về kiểm soát vũ khí, thương mại, căng thẳng Iran, khủng hoảng Venezuela, Syria và Ukraine. Mặc dù vậy, không có thỏa thuận hay kế hoạch mới nào cho cuộc gặp tiếp theo giữa hai nhà lãnh đạo được công bố.
Kiên nhẫn chờ đợi Mỹ thay đổi
Tạp chí The National Interest nhận định kết quả đạt được ở cuộc gặp Trump-Putin thật sự là một chiến thắng về mặt ngoại giao cho chính quyền Moscow. Mặc dù giới lãnh đạo Nga thừa nhận cuộc gặp đã không thúc đẩy bất kỳ thay đổi nào trong quan hệ hai nước, nhưng điểm đáng chú ý ở đây chính là không khí và tinh thần tích cực thể hiện trong nội dung hội đàm của lãnh đạo hai nước.
“Tôi không nghĩ Nga sẽ tiếp tục duy trì lập trường (đối đầu Mỹ) nhưng chắc chắn cũng sẽ không đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào. Họ sẽ đợi cho đến khi Mỹ vì các vấn đề nội bộ hay ngoại giao mà sẽ bắt đầu thay đổi chính sách với Nga” - GS Dmitry Suslov thuộc Trường Kinh tế cao cấp (Nga) nhận xét, đồng thời gọi cách tiếp cận này là “sự kiên nhẫn chiến lược”.
Tổng thống Donald Trump (phải) và người đồng cấp Vladimir Putin tại hội nghị G20 ở Nhật Bản. Ảnh: AP
Hồi đầu năm 2019, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng đã dùng cụm từ này khi mô tả về chính sách ngoại giao của Nga đối với Mỹ.
Theo ông Dimitri Alexander Simes, thuật ngữ “sự kiên nhẫn chiến lược” trước đây thường được dùng để chỉ cách tiếp cận của chính quyền cựu tổng thống Barack Obama đối với Triều Tiên. Trong đó, Washington tránh bất kỳ động thái leo thang xung đột nào với Bình Nhưỡng song song với việc duy trì các lệnh trừng phạt về kinh tế và cô lập chính trị. Cuối cùng, Mỹ không đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào cho đến khi phía Triều Tiên chủ động.
Hiện nay, khi được Nga áp dụng, cách tiếp cận “kiên nhẫn chiến lược” này được thực hiện dựa trên hai giả định theo GS Dmitry Suslov.
Đầu tiên, Moscow dự đoán rằng sự phân cực chính trị bên trong nước Mỹ cuối cùng rồi sẽ lắng xuống. Một khi điều đó xảy ra, Nhà Trắng nhiều khả năng sẽ dễ dàng hơn trong việc theo đuổi bình thường hóa quan hệ với Moscow. Thứ hai, Mỹ rồi sẽ nhận ra họ không thể cùng lúc đối đầu với cả Trung Quốc (TQ) và Nga trong vòng 5-10 năm tới. Viễn cảnh bị Bắc Kinh đe dọa cả về quân sự lẫn kinh tế trong tương lai sẽ khiến Washington buộc phải chọn con đường làm hòa với Nga để bớt một đối thủ.
GS Suslov cho biết thêm: Trong khi Mỹ chưa hòa thuận với Nga, mục tiêu chính của Nga hiện tại là giảm thiểu các rủi ro trước mắt, cụ thể là nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa hai nước. Cũng theo ông Suslov, “kiên nhẫn chiến lược” đã đem lại một số thành công nhất định cho Nga ở khu vực châu Âu. Vào ngày 24-6, Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu (PACE) đã bỏ phiếu khôi phục tư cách thành viên của nước này mà không cần đến bất kỳ sự nhượng bộ nào từ phía Moscow. Nga trước đó đã bị khai trừ khỏi tổ chức này sau khi tiến hành sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Sau cùng, do Mỹ đang chuẩn bị bước vào kỳ bầu cử tổng thống năm 2020, Washington cũng sẽ hoàn toàn không có khả năng đưa ra bất kỳ quyết định đáng kể nào đối với Nga. Ở Mỹ đang xuất hiện bầu không khí bài Nga trong dư luận xã hội cũng như trong lập trường của hai chính đảng Cộng hòa và Dân chủ. “Tuy nhiên, Moscow vẫn đang đặt cược rằng vào một ngày Washington sẽ thay đổi góc nhìn về Nga và việc cần làm bây giờ là giữ cánh cửa mở ra cho đến ngày đó” - The National Interest kết luận.
Không quân Nga mới đây đã phát hiện một máy bay do thám P8-Poseidon của Mỹ hoạt động gần không phận của nước này ở biển Đen. Mỹ, NATO cùng một số nước khác đang tham gia cuộc tập trận Sea Breeze 2019 gần khu vực này kéo dài 12 ngày. |
Theo tạp chí The Diplomatic Courier, Moscow và Bắc Kinh đang tỏ dấu hiệu muốn nhích lại gần nhau hơn nhằm “hợp lực” thách thức vị thế cường quốc hàng đầu thế giới của Mỹ. Vào tháng 9-2019 sắp tới, giữa hai nước sẽ có cuộc tập trận chung đầu tiên trong lịch sử tại Siberia và mong muốn đây sẽ là sự khởi đầu cho nhiều đợt tập trận khác về sau.
“Việc một cuộc tập trận chung diễn ra ở Siberia, nơi người Nga đã từng rất lo ngại về khả năng TQ sáp nhập phần lãnh thổ này, cho thấy Moscow đã tính toán trong ngắn hạn rằng tốt hơn là nên liên minh với Bắc Kinh để chống lại phương Tây và Mỹ” - TS Christopher Yung thuộc ĐH Quốc phòng Mỹ, nhận định.
Theo ông Christopher Yung, TQ đang từng bước thúc đẩy cho một sự đảo ngược hoàn toàn trật tự thế giới, và Nga giờ đây đã chính thức nhập cuộc.
Tổng thống Nga lên tiếng về can thiệp Venezuela Theo hãng tin TASS (Nga), Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc họp báo với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte ở Rome ngày 4-7 đã tuyên bố cuộc khủng hoảng kéo dài tại Venezuela là điều rất đáng lo ngại đối với Nga. Ngoài ra, Moscow cũng lo ngại về nỗ lực khuấy động cuộc khủng hoảng này từ các nước bên ngoài. Theo ông Putin, điều đó chỉ làm phức tạp thêm tình hình. “Phương án can thiệp quân sự hay can thiệp chính trị từ bên ngoài vào vấn đề ở quốc gia Nam Mỹ là không thể chấp nhận được” - ông Putin nói. Đồng thời, tổng thống Nga cho biết tình trạng căng thẳng giữa Tổng thống Nicolas Maduro và thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido đang phá hủy chính khái niệm dân chủ cốt lõi tại Venezuela. |