Hôm 28-6, hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2019 đã chính thức triển khai tại TP Osaka, Nhật Bản và sẽ kéo dài đến hết ngày 29-6. Tham dự kỳ hội nghị năm nay, ngoài các lãnh đạo đến từ 20 nền kinh tế hàng đầu còn có quan chức cấp cao của tám quốc gia khách mời, trong đó có Việt Nam. Đại diện của các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)… cũng có mặt.
Dự kiến hội nghị G20 năm 2019 sẽ bao gồm bốn phiên thảo luận chính xoay quanh những vấn đề về nền kinh tế toàn cầu, đổi mới sáng tạo kỹ thuật số, quyền phụ nữ và môi trường.
Gặp lại ông Putin, Tổng thống Trump khởi đầu lạc quan
Hãng tin Reuters cho biết cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ bắt đầu khoảng 14 giờ (giờ địa phương). Trước đó, vào buổi sáng, ông Trump đã có cuộc gặp ba bên với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng nước chủ nhà Nhật Bản Shinzo Abe với nội dung chính xoay quanh các vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.
Bên cạnh cuộc gặp lãnh đạo Trung Quốc (TQ) được nhiều kỳ vọng sẽ diễn ra vào ngày 29-6, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin cũng được trông chờ không kém. Theo đó, đây là lần đầu tiên lãnh đạo hai nước chính thức gặp lại nhau kể từ thượng đỉnh Helsinki tháng 7-2018, dù trước đó hai ông đã có ít phút trao đổi ngắn tại kỳ hội nghị G20 năm ngoái.
Trước cuộc gặp, khi được hỏi về nội dung mà hai bên sẽ đối thoại, chủ nhân Nhà Trắng chia sẻ đang có “mối quan hệ rất rất tốt” với Tổng thống Putin và cho biết cả hai “sẽ bàn về thương mại, có thể thêm một chút về vấn đề giải trừ hạt nhân, một chút về chủ nghĩa bảo hộ thương mại theo cách tích cực”. Ngoài ra, ông Trump cũng nói rằng hội nghị ở Osaka là “cơ hội tuyệt vời” để tiếp tục những gì còn dang dở tại Helsinki trước đó.
“Chủ đề chính của hai nhà lãnh đạo chỉ là về vấn đề kiểm soát vũ khí. Đây là lĩnh vực mà Tổng thống Vladimir Putin muốn được đối thoại song phương vì ông biết đây là thứ mà Nga ngang cơ Mỹ. Có rất nhiều thứ khiến chúng ta nghĩ đến vấn đề kiểm soát vũ khí nhưng hiện tại chúng ta lại không có bất kỳ tiến trình nào” - Heather Conley, Giám đốc chương trình châu Âu thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Mỹ) nhận định về cuộc gặp.
Tờ Malaysia Sun cho rằng ngoài các vấn đề mà ông Trump nêu ra, hai lãnh đạo còn trao đổi về các chủ đề nhạy cảm hơn như khủng hoảng ở Iran, đảo chính Venezuela mà không tiện công bố. Ngoài ra, cuộc gặp Mỹ-Nga tại Osaka lần này cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quan hệ hai nước gần như quay lại thời kỳ Chiến tranh lạnh, mặc cho những lời trấn an của Tổng thống Trump.
Được biết Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) theo dự kiến sẽ hết hiệu lực vào tháng 8-2019 sau khi Washington tố Moscow vi phạm điều khoản và đơn phương rút khỏi, dẫn đến Nga cũng rút theo sau đó. Trong khi đó, Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới ký kết vào năm 2010 cũng sẽ hết hạn vào năm 2021 trừ khi hai bên đồng ý gia hạn. Chia sẻ với tờ The Financial Times hôm 27-6, Tổng thống Putin cho biết đến nay vẫn chưa thấy Mỹ có ý định làm việc đó. “Nếu chúng ta không bắt đầu đối thoại ngay bây giờ, nó sẽ sớm kết thúc nhanh đến mức chẳng còn thời gian cho thủ tục gì nữa” - ông nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng một số nhà lãnh đạo khác chụp ảnh chung tại thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản hôm 28-6. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Sức nóng gặp mặt Trump-Tập bắt đầu tỏa nhiệt
Theo hãng tin AFP, hiện Washington vẫn đang tiếp tục gây sức ép lên các đồng minh nhằm yêu cầu các nước này không sử dụng công nghệ Huawei cho mạng 5G trong nước nhằm đảm bảo an ninh và bảo mật. Tổng thống Trump cũng nói có thể đưa vấn đề Huawei vào cuộc nói chuyện với ông Tập.
Về phía TQ, lãnh đạo nước này mở đầu cuộc họp với nhóm các nước khối BRICS bằng loạt chỉ trích nhằm vào chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại mà “một số nước đang tiến hành”. Ông cho rằng điều đó sẽ “hủy hoại trật tự thương mại toàn cầu” và “làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của các nước, đe dọa hòa bình và ổn định cả thế giới”.
Về căng thẳng vùng Vịnh, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết khu vực này đang lâm vào tình thế “chênh vênh giữa chiến tranh và hòa bình”, kêu gọi các bên kiềm chế căng thẳng đồng thời khẳng định Bắc Kinh luôn hướng về hòa bình. |
AFP cũng dẫn nguồn một quan chức Bắc Kinh tiết lộ ông Tập nhiều khả năng sẽ đưa ra các điều kiện Mỹ phải đáp ứng nếu muốn ngưng thương chiến. Các điều kiện này bao gồm Washington phải gỡ lệnh cấm vận mua bán đối với Huawei, sau đó gỡ bỏ toàn bộ thuế quan đối với hàng nhập khẩu TQ sang Mỹ và không ép nước này nhập nhiều hàng Mỹ hơn mức Bắc Kinh đã đưa ra trong cuộc gặp hồi tháng 12-2018. Tuy vậy, nhiều chuyên gia đánh giá Mỹ sẽ khó lòng đáp ứng các yêu cầu này.
“Hiện đang có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn nhượng bộ nhằm tránh được phần lớn thuế của Mỹ nhưng điều này chỉ xảy ra nếu ông Trump cũng chịu nhượng bộ theo” - chuyên gia châu Á James Griffiths của đài CNN cho biết. Trước đó, tờ Nhân dân Nhật báo số ra ngày 24-6 tuyên bố việc TQ phải nhượng bộ thêm là một “suy nghĩ hết sức nực cười và ngây thơ”.
Mặc dù vậy, ông Griffiths chia sẻ ông đánh giá cao khả năng đàm phán song phương và viện dẫn nhiều trường hợp ông Tập đã lấy lòng thành công ông Trump như khi tổng thống Mỹ đã mô tả Chủ tịch TQ Tập Cận Bình là “một người tuyệt vời” trong cuộc điện đàm hồi đầu tháng 6-2019.
Biến đổi khí hậu cũng là một chủ đề nóng của hội nghị năm nay Theo hãng tin Reuters, thương mại không phải chủ đề gây chia rẽ duy nhất tại hội nghị G20 năm nay, với việc các quốc gia có bất đồng sâu sắc về vấn đề biến đổi khí hậu. Trong khi các lãnh đạo châu Âu muốn có hành động mạnh mẽ để ứng phó với biến đổi khí hậu, Washington lại đang quyết tâm rút khỏi thỏa thuận Paris 2015. Trước đó, hôm 27-6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố nước ông vạch ra một “lằn ranh đỏ” trong việc thực thi các chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, theo đó Paris sẽ không ký tuyên bố chung của G20 nếu văn bản này không đề cập rõ ràng về vấn đề chống hiện tượng này. |