Theo đó, chuyến đi của người lãnh đạo Trung Quốc đến Osaka (Nhật Bản) tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2019 diễn ra tại TP Osaka, Nhật Bản trong hai ngày 28 và 29-6 diễn ra trong bối cảnh dự án xây hải cảng ở Tanzania và dự án nhà máy nhiệt điện than tại Kenya đồng loạt bị đình chỉ.
Tờ The Telegraph (Anh) nhận định, điều này chắn chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai dự án Vành đai - Con đường của nước này ở châu Phi.
Một tàu hoả chạy trên đường ray xây dựng từ dự án Vành Đai - Con Đường của Trung Quốc ở Kenya. Ảnh: REUTERS
Nếu được xây dựng thành công, trị án dự án ở Tanzania được ước tính lên đến 10 tỉ USD và sẽ trở thành hải cảng quy mô nhất khu vực Đông Phi. Trong khi dự án nhà máy nhiệt điện than ở Kenya bị tạm dừng vì lo ngại từ các chuyên gia rằng nó sẽ tăng mức khí nhà kính ở quốc gia này lên đến 700%.
Một vài dự án quy mô lớn ở châu lục này, điển hình là dự án xây dựng đường ray xe lửa ở Ethiopia và Kenya cũng đang bị xem xét, khiến chính phủ Trung Quốc phải tiến hành xoá một phần nợ để trấn an.
Mặc dù vậy, Tổng thống nước này, ông John Magufuli đã lên tiếng chỉ trích những điều khoản hợp tác của chính quyền Trung Quốc cho công trình này "rất kỳ lạ".
"Họ muốn chúng tôi ký với họ một cam kết trong vòng 33 năm và một thoả thuận cho thuê trong vòng 99 năm, và chúng tôi cũng không được biết về ai sẽ đến đây đầu tư một khi hải cảng đi vào hoạt động. Họ muốn lấy đất của chúng tôi nhưng lại muốn chúng tôi bù đắp công xây dựng công trình đó", dẫn lời Tổng thống Magufuli.
Được biết, khi Chủ tịch Tập Cận Bình công khai Sáng kiến Vành đai - Con đường vào năm 2013, dự án này nhận được rất nhiều hưởng ứng rất nhiệt tình đến từ các quốc gia đang phát triển với mong muốn tìm kiếm sự thịnh vượng thông qua các khoản vay của chính quyền Bắc Kinh.
Tuy nhiên, trải qua sáu năm triển khai, các nước từng tham gia đang bắt đầu rục rịch huỷ bỏ hoặc tái đàm phán các thoả thuận được ký kết do không gánh nổi số nợ đã vay.
Theo đó The Telegraph viện dẫn trường hợp dự án xây dựng hải cảng tại TP Hambantota ở Sri Lanka là câu chuyện cảnh báo về hậu quả phải chịu một khi không đủ khả năng trả nợ cho Bắc Kinh.
Cụ thể, chính quyền sở tại đã phải chịu cho Trung Quốc thuê cảng trong 99 năm để gán nợ. Các chuyên gia nhận định, đây là chiến lược "bẫy nợ" mà Trung Quốc áp dụng lên các nước yếu hơn thông qua dự án đầu tư khổng lồ của mình nhằm chiếm lấy các vị trí cơ sở hạ tầng trọng yếu.
Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh cũng đang gặp phải nhiều vấn đề khác như cuộc biểu tình nổ ra ở đặc khu Hong Kong để phản đối việc thông qua luật dẫn độ tội phạm về đại lục. Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga sau đó thông báo sẽ tạm hoãn vô thời hạn dự luật ngày 15-6. Chính phủ Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ không mang vấn đề Hong Kong ra hội nghị G20.
Thay vào đó, ông Tập dự kiến sẽ gặp trực tiếp ông Trump vào ngày 29-6 để giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai nước tính đến nay đã kéo dài hơn một năm.
Theo tờ The Wall Street Journal, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ yêu cầu gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với tập đoàn công nghệ Huawei cũng như không bắt buộc Trung Quốc phải mua thêm nhiều hàng hoá của Mỹ theo như nội dung đàm phán giữa hai bên hồi tháng 12-2018.
Về phần mình, ông Trump cũng mong muốn sẽ đạt được ít nhất là một cam kết cụ thể khi cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 đã cận kề.