Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2019 sẽ diễn ra tại TP Osaka, Nhật Bản trong hai ngày 28 và 29-6.
Mặc dù cho đến nay mọi sự chú ý đều đổ dồn vào cuộc gặp mặt giữa Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump, thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nhiều thử thách lớn và nan giải nhất trong suốt thập niên qua, đòi hỏi các nhà lãnh đạo của thế giới phải đối thoại để tìm ra giải pháp.
Thương chiến Mỹ-Trung và suy thoái toàn cầu
Hội nghị G20 năm ngoái tại Argentina khép lại, nhiều lãnh đạo vẫn lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ trong kinh tế, nhất là trong bối cảnh cuộc thương chiến Mỹ-Trung leo thang.
Năm nay, trước thềm hội nghị G20, một số kinh tế gia hàng đầu thế giới bắt đầu bày tỏ lo ngại về rủi ro xảy ra suy thoái toàn cầu trong năm 2020. Trong một bài bình luận trên tạp chí Project Syndicate, chuyên gia Nouriel Roubini nhận định đã có 9/10 dấu hiệu về một sự kiện tương tự khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 xuất hiện.
“Nhiều dấu hiệu (cho thấy khủng hoảng có thể xảy ra), trong số đó đều liên quan đến Mỹ. Xung đột thương mại với TQ và nhiều nước khác cùng với các động thái ngăn chặn di cư, chặn dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài và chuyển giao công nghệ. (Những việc này) sẽ có tác động to lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu và gia tăng rủi ro tăng trưởng kinh tế chậm, đi kèm lạm phát cao. Hiện rủi ro về sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ đã nghiêm trọng hơn khi hiệu ứng kích cầu từ sắc lệnh giảm thuế đang bắt đầu có hiệu lực” - ông Roubini giải thích.
Hồi đầu tháng 6-2019, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cắt giảm dự đoán tăng trưởng toàn cầu xuống 2,6%. WB còn đánh giá tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khủng hoảng năm 2008, kèm theo đó là suy giảm hoạt động đầu tư trên thế giới. Mức dự báo này thấp hơn con số 2,9% đưa ra vào tháng 1-2019 và 3% của năm 2018.
Tạp chí Crikey (Úc) đánh giá đối đầu thương mại Mỹ-Trung cũng sẽ thổi bùng lo ngại về sự thoái trào của chủ nghĩa hợp tác đa phương. Cụ thể, bất kỳ thỏa thuận đình chiến nào nếu có thể đạt được sẽ chỉ là một thỏa thuận song phương ký kết giữa hai nước (ví dụ, giữa Mỹ và TQ). Điều này chắc chắn sẽ thách thức hệ thống liên kết đa phương đang chiếm thế thượng phong ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ sau Thế chiến II.
Trong bối cảnh đó, việc tiến hành những cải tổ cần thiết đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng được dự báo sẽ là trọng tâm của thượng đỉnh G20 năm nay. Tờ Japan Times cho biết mặc dù sứ mệnh của WTO khi được thành lập vào năm 1995 là thúc đẩy tự do giao thương toàn cầu thông qua kêu gọi bãi bỏ thuế quan và thiết lập các quy định thương mại minh bạch, nhưng rất nhiều quốc gia đã chỉ trích tính hiệu quả của tổ chức này khi không thể dung hòa lợi ích của nhóm nước phát triển và nhóm đang phát triển. Tổng thống Trump cũng đã lên tiếng bày tỏ sự không hài lòng với cách làm việc của WTO, cho rằng Mỹ không nhận được “sự đối xử công bằng” của tổ chức này và nhiều lần tỏ ý muốn rút khỏi WTO.
Cảnh sát Nhật Bản đứng gác tại địa điểm diễn ra phiên thảo luận của các bộ trưởng tài chính G20 ngày 7-6. Ảnh: REUTERS
Vấn đề Triều Tiên và Iran tiếp tục nóng
Hãng tin Reuters hôm 26-6 cho hay ông Trump xác nhận sẽ không gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị G20 năm nay. Trước đó không lâu, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiết lộ Washington và Bình Nhưỡng đã có những trao đổi kín về khả năng tổ chức một cuộc gặp mặt lần thứ ba cũng như các cuộc đàm phán cấp cao giữa hai lãnh đạo.
Theo tiết lộ của một quan chức ngoại giao Nhật Bản giấu tên, mục đích chuyến thăm mới đây của ông Tập Cận Bình đến Bình Nhưỡng là nắm được những thông tin quan trọng trong giới lãnh đạo Triều Tiên, để có thể “dùng làm đòn bẩy” khi gặp ông Trump và các nhà lãnh đạo khác ở Osaka. “Ông Trump có thể sẽ rất muốn biết (giữa ông Tập và ông Kim) đã có những trao đổi gì” - vị này cho biết.
Một sĩ quan không quân Brazil trong phái đoàn hộ tống Tổng thống Jair Bolsonaro tham dự hội nghị G20 đã bị bắt vì tàng trữ 39 kg ma túy. Ông Bolsonaro cho biết ông yêu cầu Bộ Quốc phòng hợp tác với chính quyền Tây Ban Nha điều tra. Nếu chứng minh là có tội, sĩ quan này sẽ “bị phán xét và kết án theo luật pháp”. (Theo hãng tin CNN) |
Đối với vấn đề Iran, Heather Conley, Giám đốc Chương trình châu Âu thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho rằng trong bối cảnh nước này sắp vượt quá trữ lượng uranium cho phép theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 trong vài ngày tới, nhiều khả năng ông Trump sẽ phải giải trình với các đồng minh về một kế hoạch kìm hãm Tehran. Động thái này của ông Trump được cho là rất quan trọng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran tăng cao cực điểm với lệnh tấn công quân sự của Washington được hủy bỏ vào phút chót ngày 21-6.
Một nguồn tin từ Nhà Trắng cũng xác nhận ông Trump sẽ có cuộc gặp riêng với ít nhất là tám lãnh đạo khác, trong đó có thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salma, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin để tìm kiếm sự ủng hộ về những đợt trừng phạt Iran trong tương lai.
“Kế hoạch B” của ông Donald Trump Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nước ông sẽ áp dụng thuế bổ sung đối với hàng hóa từ TQ nếu cuộc trao đổi thương mại với ông Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G20 không đạt được kết quả tốt, hãng Bloomberg đưa tin. “Kế hoạch B của tôi đối với TQ là sẽ thu về hàng tỉ và hàng tỉ USD mỗi tháng và chúng tôi sẽ hạn chế làm ăn với họ” - ông Trump cho biết hôm 26-6, trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business Network. Nhà Trắng thông báo cuộc gặp với ông Tập sẽ diễn ra vào lúc 11 giờ 30 sáng 29-6 tại TP Osaka, Nhật Bản. Tổng thống Trump trước đây đã nói rằng ông có thể quyết định tăng thuế đối với 300 tỉ USD hàng nhập khẩu còn lại của TQ nếu ông ấy không thích những gì nghe được từ ông Tập tại hội nghị G20. |