Hôm 24-6, Trung Quốc xác nhận Thủ tướng Narendra Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên lần thứ hai tại Osaka (Nhật Bản) để chống lại sức ép từ chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ.
Trong cuộc họp báo về hội nghị thượng đỉnh G-20, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhang Jun nói rằng cuộc họp của ba nhà lãnh đạo, vốn vừa gặp nhau tại hội nghị SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải), có ý nghĩa rất lớn.
Ông cũng báo hiệu rằng cơ chế ba bên ở cấp cao nhất giữa Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (RIC) từ giờ đã được thể chế hóa.
Dù không chỉ đích danh Mỹ, nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng “cộng đồng quốc tế đã nhận thấy rõ ràng những hậu quả của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và hành vi bắt nạt”.
Hội nghị thượng đỉnh SCO ở Bishkek. Ảnh: Twitter
Trong một tuyên bố ám chỉ Washington, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen nói rằng “một số quốc gia đã kiên quyết đi theo chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ, lạm dụng các biện pháp thương mại (và) đặc biệt là an ninh quốc gia. Quốc gia đó đã áp thuế lên các đối tác thương mại của mình, gây ra mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng thương mại, đầu tư và kinh tế toàn cầu”.
Ngoài việc nâng tầm quan trọng toàn cầu của liên lục địa Á-Âu, cuộc gặp ba bên ở Osaka cũng sẽ có tác động tích cực đến các mối quan hệ song phương, ông Zhang nói.
Quan chức Trung Quốc này khẳng định rằng ba nước cũng sẽ củng cố mối quan hệ song phương với nhau, và sẽ tạo ra kết quả tích cực.
Trung Quốc cũng sẽ lãnh đạo Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính Quốc tế (FATF) – một cơ quan liên chính phủ về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, đã tiếp tục đưa Pakistan vào danh sách cảnh báo, bởi vì Islamabad chưa kiềm chế được các hoạt động tài trợ khủng bố.
Tuy nhiên, Trung Quốc, nước sắp giữ chức chủ tịch của tổ chức FATF, sẽ tiến hành một cuộc “đánh giá chiến lược” và áp dụng “chiến lược đáp trả rõ ràng”.
Các quan chức Trung Quốc cũng nói rõ rằng tại hội nghị thượng đỉnh Osaka, Bắc Kinh sẽ ủng hộ một kế hoạch sửa đổi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và giữ vai trò quan trọng trong việc cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu, dưới sự lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Đề cập đến cuộc họp của các quốc gia Brazil - Nga-Ấn Độ-Trung Quốc-Nam Phi (BRICS) bên lề G-20, ông Zhang hy vọng rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu không chắc chắn như hiện nay, BRICS sẽ “đóng vai trò lớn hơn trong việc duy trì chủ nghĩa đa phương, một hệ thống thương mại mở và không phân biệt đối xử, xây dựng một nền kinh tế mở và (đóng góp) vào việc quản trị kinh tế thế giới”.