Hệ lụy khi chuyển nhượng đất bằng ‘ranh miệng’

Tháng 5-2013, vợ chồng ông NAT (ngụ huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) nhận chuyển nhượng từ ông LVV diện tích đất 76,5 m2, loại đất ở nông thôn, tọa lạc tại ấp Phú Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN).

Hai tháng sau, ông T. yêu cầu địa chính xã Trường Xuân đến đo đạc lại diện tích để xây nhà thì phát hiện bà LTTTh (người sử dụng đất liền kề) đã xây nhà lấn qua phần đất của ông khoảng 19 m2. Ông T. đã làm đơn kiện, yêu cầu bà Th. di dời nhà về đúng vị trí, trả lại đất cho ông xây dựng.

Phần mình, bà Th. cho rằng tháng 2-2013, bà nhận chuyển nhượng phần diện tích đất 76,5 m2 (thửa đất số 1361) từ ông NVK và đã được cấp GCN. Khi chuyển nhượng, ông K. đã đứng ra chỉ ranh, lúc ấy trên đất có sẵn nền nhà. Sau khi chuyển nhượng, bà xây dựng trên nền nhà có sẵn đó, đúng vị trí chủ đất cũ chỉ ranh. Hơn nữa, khi bà xây dựng thì hàng xóm cũng không ngăn cản hay có ý kiến gì.

Căn nhà (bên phải) của bà Th. xây dựng lấn qua đất của ông T. Ảnh: HD

Đến khi xảy ra tranh chấp và được thẩm định lại, bà Th. mới ngã ngửa khi biết mình đã xây dựng nhà lấn qua đất ông T. Bà yêu cầu được ổn định phần diện tích đã xây và chấp nhận trả lại giá trị đất cho ông T.

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND TP Cần Thơ đều xác định phần đất tranh chấp nằm trong GCN do ông T. đứng tên. Tuy nhiên, khi chuyển nhượng đất ông T. không xác nhận ký giáp ranh các hộ tứ cận, không yêu cầu cơ quan chức năng đo đạc, xác định chính xác ranh giới mà chỉ nghe theo chỉ định của chủ cũ.

Tương tự, bà Th. cũng chủ quan, chỉ dựa trên nền nhà cũ mà không đo đạc, xác định ranh giới đất thực sự. Trường hợp này là lỗi chủ quan của cả hai bên. Hiện tại bà Th. đã xây nhà và ở ổn định trên đất. Phần nhà trên đất có giá trị lớn hơn nhiều so với phần đất tranh chấp, nếu di dời sẽ rất tốn kém trong khi bà Th. không có khả năng kinh tế.

Vì các lý do trên, tòa chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của ông T., ổn định diện tích đất tranh chấp cho bà Th. tiếp tục quản lý, sử dụng; bà Th. có trách nhiệm trả lại cho ông T. số tiền 20 triệu đồng.

Tòa cũng kiến nghị UBND huyện Thới Lai điều chỉnh lại hai GCN của ông T. và bà Th. theo quy định.

Không đồng ý nhận bồi thường mà muốn đòi lại đất, ông T. đã khiếu nại giám đốc thẩm. TAND Cấp cao tại TP.HCM đã có thông báo: Không có căn cứ kháng nghị theo giám đốc thẩm đối với yêu cầu của ông T. và hiện ông vẫn chưa chấp nhận phán quyết này.

“Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc này. Nguyện vọng của tôi là muốn lấy lại đất của mình. Tôi sẽ tiếp tục thương lượng với bà Th. để có sự thống nhất” - ông T. nói.

Theo luật sư Nguyễn Sa Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM, đây là một vụ việc hy hữu khi cả hai bên nhận chuyển nhượng đất đều quá chủ quan, không thực hiện việc đo đạc đất chính xác mà chỉ dựa vào lời nói miệng của chủ cũ. Đây là lỗi của cả hai bên và đôi bên cần chịu chung trách nhiệm.

Trường hợp nếu hai bên không thể thỏa thuận được thì phải thực hiện theo phán quyết của tòa án. Đây là bài học kinh nghiệm cho những người đi mua đất bởi đã có nhiều trường hợp mắc phải tình trạng tương tự khi không đo đạc, đến khi xây dựng mới tá hỏa là mình bị thiếu đất.

Vì vậy, người dân tuyệt đối không căn cứ vào lời nói miệng, dù là lời của chủ nhà hay của người có thẩm quyền, tất cả đều phải nhờ đến đơn vị có chức năng, có tư cách pháp nhân đo đạc, xác định ranh đất chính xác trước khi sang nhượng, xây dựng. Trường hợp có sai sót xảy ra thì đơn vị đo đạc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

ĐÀO TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm