Hết thời phát sóng ca nhạc trực tiếp

Những tối cuối tuần trên truyền hình năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 là tràn ngập các chương trình ca nhạc qua truyền hình. Bên cạnh các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc thì các chương trình ca nhạc định kỳ trên truyền hình: Tình khúc vượt thời gian, Âm nhạc và bước nhảy, Thay lời muốn nói, Sol vàng, Tôi tỏa sáng, Dấu ấn… đều là các chương trình biểu diễn và phát sóng trực tiếp. Thế nhưng, từ tháng 10 này, Sol vàng, Âm nhạc và bước nhảy, Sài Gòn đêm thứ Bảy… trở thành các chương trình ghi hình phát sóng.

Khán giả hết cơ hội tương tác

Từ tháng 10 này, chiếm sóng các tối thứ Bảy trong tháng khung giờ 20 đến 22 giờ của kênh VTV9 lần lượt là các chương trình ca nhạc: Âm nhạc và bước nhảy, Sol vàng, Sài Gòn đêm thứ Bảy Tình khúc vượt thời gian của nhà sản xuất Jet Studio. “Trước đây, chỉ duy nhất Sài Gòn đêm thứ Bảy là chương trình chúng tôi ghi hình phát sóng, còn ba chương trình còn lại đều biểu diễn và phát sóng trực tiếp nhưng từ tháng 10 chỉ còn Tình khúc vượt thời gian làm liveshow, tất cả chương trình còn lại đều ghi hình” - đại diện Jet Studio nói.

Tương tự như thế, các chương trình thi thố âm nhạc định kỳ theo từng tuần của Khang Media là Solo Bolero, Cười xuyên việt, Cùng nhau tỏa sáng, Cười xuyên Việt (phiên bản người nổi tiếng) đều ghi hình phát sóng. “Chúng tôi chỉ còn giữ duy nhất việc làm liveshow cho đêm chung kết các chương trình này và từ tháng 10 còn có thêm Dấu ấn phiên bản mới làm trực tiếp” - đạo diễn Vũ Thành Vinh chia sẻ.

Từ tháng 10, Tình khúc vượt thời gian sẽ là chương trình ca nhạc định kỳ trực tiếp duy nhất trên sóng VTV9. Ảnh: JET STUDIO

Việc thiếu vắng liveshow ở phía khán giả xem trực tiếp sẽ là người thiệt thòi nhiều hơn khán giả xem qua truyền hình. Bởi không ít khán giả mê xem ca nhạc trực tiếp nhưng không đủ điều kiện mua vé xem liveshow của các ca sĩ, họ chọn xem các chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp với giá vé mềm hơn và lại đa dạng ca sĩ hơn. Bên cạnh đó, khi xem trực tiếp được chứng kiến sự tung hứng, sự tương tác sống động và sự ngẫu hứng của nghệ sĩ vẫn thú vị hơn nhiều xem ghi hình.

Trực tiếp đắt gấp năm lần ghi hình

Và một thực tế khác, về phía nghệ sĩ, khi tự tổ chức một liveshow nghệ sĩ phải đầu tư lớn; trong khi các chương trình truyền hình trực tiếp đã có tài trợ, đầu ra là lượng khán giả tại sân khấu và một số lượng lớn khán giả truyền hình. Nghệ sĩ lợi về kinh tế và vẫn đảm bảo cho việc quảng bá hình ảnh của nghệ sĩ, thương hiệu.

Nhưng sau thời gian dài các nhà sản xuất rầm rộ làm các liveshow cho ca sĩ, khán giả thỏa thích xem liveshow giá rẻ tại sân khấu và theo dõi tại nhà với những sự tương tác mà chỉ những liveshow trực tiếp mới có thì hiện tại dường như việc làm nhiều liveshow cũng làm các nhà sản xuất hụt hơi. “Mỗi khi thực hiện một chương trình trực tiếp là mỗi lúc nhà sản xuất “đau tim” vì sợ ca sĩ hát thật không nổi, sợ ca sĩ không đến đúng giờ, sợ giao lưu dông dài không đủ sóng…” - một nhà sản xuất chia sẻ.

Không chỉ phiêu lưu với những sự cố có thể không lường trước như trên, việc thực hiện một chương trình trực tiếp ngốn tiền nhiều lần so với ghi hình. Cụ thể, “làm chương trình truyền hình trực tiếp tốn gấp năm lần việc ghi hình phát sóng” - đạo diễn Vũ Thành Vinh chia sẻ.

Theo lời đạo diễn Thành Vinh thì “ngày trước giá trị làm chương trình trực tiếp và chương trình ghi hình có cách biệt bởi gu xem đài. Nhưng thực tế bây giờ, chỉ cần định vị được khung giờ đó, chương trình đó sẽ diễn ra thì dù trực tiếp hay không nếu không bận khán giả cũng sẽ xem. Nếu trực tiếp hay không trực tiếp cũng tương đương nhau ở lượng khán giả và tổng thể đầu tư không trực tiếp vẫn thu lợi nhuận hơn gấp nhiều lần trực tiếp, vậy tại sao không làm?”.

Các nhà sản xuất đều cùng ý kiến khi cho rằng ngoài chi phí thấp thì ghi hình có khi còn hay hơn trực tiếp ở chỗ khi nghệ sĩ thoải mái thời gian để ghi hình họ giao lưu, biểu diễn thoải mái hơn, khi đó việc chỉnh sửa cho chương trình theo chủ đề phù hợp cũng dễ dàng và khán giả dễ tiếp nhận hơn. “Khác với chương trình trực tiếp, nếu hôm nay bận nghệ sĩ có thể ghi hình hôm khác, nhà sản xuất lẫn nghệ sĩ dễ dàng điều phối thời gian mà không áp lực chạy sô” - đạo diễn Thành Vinh nói.

Có thể xem việc chuyển dần từ chương trình trực tiếp sang ghi hình phát sóng đôi khi là một điểm sáng cho ca nhạc trên truyền hình. Bởi khi thực hiện quá nhiều chương trình truyền hình trực tiếp với tần suất hằng tuần, chưa nói đến sáng tạo, mà ngay yếu tố một một chương trình chỉn chu cũng đã làm khó nhà sản xuất.

“Ở thời điểm giải trí đang có chiều hướng bão hòa thì trực tiếp trên truyền hình sẽ dần dành cho các hạng mục như tin tức. Các chương trình ca nhạc đành phải uyển chuyển hơn bằng việc lùi vào ghi hình. Và hơn cả, khi người xem, người thực hiện đều bận rộn thì tốt nhất hãy tìm cách làm sao uyển chuyển thời gian mà nội dung, giá trị chương trình, hình ảnh nghệ sĩ… không mất đi là điều đáng quý nhất” - đạo diễn Thành Vinh chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới