Hiện trạng hồ chứa thuỷ lợi của Việt Nam ra sao?

(PLO)- Theo báo cáo của Viện Quy hoạch Thủy lợi, toàn quốc đang có 6.723 hồ chứa thuỷ lợi và 685 đập, hồ chứa thuỷ điện.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Hiện ở nước ta đang có gần 8.000 đập và hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện, tổng dung tích 68 tỉ m³ nước”.

Số liệu trên được ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi đưa ra tại Diễn đàn Nâng cao hiệu quả thông tin, cảnh báo, đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 19-11.

Theo báo cáo của Viện Quy hoạch Thủy lợi, toàn quốc đang có 6.723 hồ chứa thuỷ lợi, còn lại là đập, với tổng dung tích khoảng 15 tỉ m3 nước. Trong số các hồ chứa thuỷ lợi này có 4 hồ quan trọng đặc biệt, là hồ Cửa Đạt, hồ Ngàn Trươi, hồ Tả Trạch, hồ Dầu Tiếng.

viện quy hoạch thuỷ lợi.jpg
Ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi.

Về hồ thuỷ điện, cả nước có khoảng 685 đập, hồ chứa, tổng dung tích khoảng 53 tỉ m3 nước. Trong đó, có 18 hồ quan trọng đặc biệt.

Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi cho biết, Việt Nam đã được xếp vào top 10 các nước có hệ thống thủy lợi phát triển nhất thế giới. Và theo quy hoạch, đến năm 2030, ngành thủy lợi dự kiến xây dựng thêm 31 hồ chứa nước để tăng dung tích tích trữ thêm 1,92 tỷ m3.

Đánh giá về những vấn đề ảnh hưởng đến an toàn đập, hồ chứa nước thuỷ lợi, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Đỗ Văn Thành cho biết theo thống kê trước lũ năm 2024, cả nước còn khoảng 340 hồ chứa bị hư hỏng nặng chưa được bố trí nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp.

Một số hồ lớn đã được xây dựng bản đồ ngập lụt nhưng chưa được đánh giá năng lực thoát lũ hạ du. Nhiều hồ chứa nhỏ chưa có phương án đảm bảo an toàn hồ đập và phòng lũ hạ du. Hành lang thoát lũ ở hạ du của một số hồ chứa lớn bị xâm lấn, dòng chảy co hẹp, không đảm bảo thoát lũ thiết kế, gây ra úng ngập hạ du khi vận hành xả lũ.

“Hiện nay, việc quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi gặp nhiều thách thức do biến đổi khí hậu khiến tần suất và cường độ mưa lũ tăng. Hầu hết các hồ chứa thủy lợi được xây dựng trước năm 2000, khi thiết kế chưa đánh giá hết khả năng thoát lũ ở hạ du; tại nhiều khu vực, nhu cầu nước cho sản xuất lớn hơn khả năng đáp ứng của hồ chứa…” - ông Thành nói.

Ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, về mặt pháp lý, các hồ chứa thủy lợi phải được vận hành theo quy trình vận hành được lập, phê duyệt, công bố công khai theo quy định. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 28% số hồ được lập quy trình vận hành.

Về quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, giám sát vận hành hồ, hiện mới có 17% số hồ thuỷ lợi được lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thuỷ văn chuyên dùng, thiết bị giám sát vận hành hồ chứa.

Về phương án ứng phó khẩn cấp, có 17% số hồ được xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Như vậy, các hồ chứa, đặc biệt hồ lớn, hạ du đông dân cư nếu không được xây dựng phương án, khi có tình huống sẽ rất bị động trong công tác ứng phó.

Ông Lương Văn Anh cho biết trên cơ sở nhận diện những khó khăn thách thức, thời gian tới Cục Thủy lợi sẽ tham mưu Bộ NN&PTNT, Chính phủ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi.

Đồng thời rà soát, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn vùng hạ du, lòng hồ chứa thủy lợi; rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả, đa mục tiêu hồ chứa thủy lợi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm