Liên quan đến việc điều chỉnh cách tính thuế trong Nghị định 126/2020 (có hiệu lực từ ngày 5-12), ngày 10-12, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), đã có cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
Thuế tăng vì thay đổi mô hình kinh doanh
Theo bà Phương Lan: Quy định tại Nghị định 126/2020, hình thức tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân (bao gồm cả lĩnh vực taxi công nghệ) thì tổ chức phải có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng (VAT) và xuất hóa đơn trên toàn bộ doanh thu theo quy định về thuế suất và khai thuế của tổ chức. Tổ chức chỉ khấu trừ và khai thay, nộp thay cho cá nhân đối với thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo quy định của pháp luật thuế TNCN, không phân biệt hình thức phân chia khoản tiền thu được giữa tổ chức và cá nhân.
“Thời gian qua, do chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân nên dẫn đến việc thực hiện khai thuế đối với mô hình hãng xe công nghệ không thống nhất, không đúng quy định” - bà Lan nhận định.
Theo bà Lan, Nghị định 126/2020 của Chính phủ là văn bản hướng dẫn về quản lý thuế nên quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân. Đây không phải quy định mới về chính sách thuế vaT. Chính sách thuế VAT đối với hoạt động vận tải công cộng không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế VAT 10% như từ trước đến nay.
“Như vậy, quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế. Tài xế chỉ chịu thuế TNCN 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng. Nghị định 126 không làm tăng giá cước vận tải do chính sách thuế vaT 10% đối với vận tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay. Do đó, các hãng xe công nghệ phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như thu nhập của tài xế…” - bà Lan nói.
Về việc điều chỉnh giá cước cơ bản, Grab cho rằng đã được tính toán cẩn trọng để đảm bảo quyền lợi cho cả đối tác tài xế và hành khách.
“Việc điều chỉnh cước phí này có thể chưa làm hài lòng hết tất cả đối tác nên doanh nghiệp vẫn đang theo dõi, tiếp nhận phản hồi để có thể có những điều chỉnh phù hợp hơn” - Grab khẳng định.
Tổng cục Thuế cho rằng Nghị định 126/2020 không làm tăng giá cước nhưng hãng xe công nghệ khẳng định phải tăng để bù thuế VAT. Ảnh: HOÀNG GIANG
Về trách nhiệm của hãng xe công nghệ trong việc phải thực hiện khai thuế VAT theo quy định của pháp luật, bà Lan giải thích: Các hãng xe công nghệ được xác định là hoạt động kinh doanh vận tải, không phải là hoạt động kinh doanh công nghệ. Vì thực tế các doanh nghiệp này giữ vai trò quyết định về giá vận tải, quyết định về các chính sách với khách hàng, chịu trách nhiệm giao dịch với khách hàng.
Do đó, các hãng xe công nghệ có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về pháp lý trong mọi lĩnh vực (bao gồm nghĩa vụ thuế) với cơ quan nhà nước, nghĩa vụ với khách hàng và các vấn đề liên quan đến tư pháp (nếu có). Điều này là đúng với bản chất hoạt động kinh tế phát sinh.
“Trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày qua phản ánh một số hãng xe công nghệ cho rằng do tác động của Nghị định 126 dẫn đến Grab tăng giá cước từ 8% đến 18% (đối với từng loại hình dịch vụ và ở từng khu vực khác nhau), đồng thời giảm tỉ lệ chia cho tài xế 7% là không đúng” - bà Lan khẳng định.
Xe công nghệ phải điều chỉnh giá để bù thuế VAT
Về vấn đề này, đại diện Grab cho rằng: Khi Nghị định 126/2020 về quản lý thuế đang dự thảo, doanh nghiệp đã có văn bản gửi ban soạn thảo và Văn phòng Chính phủ. Đơn vị dự báo nếu khai thuế VAT trên tổng doanh thu, giá cước sẽ tăng. Grab và các đối tác phải chịu thêm những gánh nặng về tài chính và chi phí tuân thủ rất lớn.
Cụ thể, theo cơ chế trước đây, với một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng, tài xế sẽ nhận được khoản doanh thu là 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối). Với quy định tại Nghị định 126, tài xế sẽ chỉ còn nhận được 70.800 đồng (tức là giảm 8% doanh thu của họ).
Để đảm bảo mức thu nhập hiện tại cho tài xế, các doanh nghiệp vận tải sẽ phải tăng cước thêm 8%. Hệ quả là số chuyến xe sẽ bị giảm, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt hại này.
Để đảm bảo hài hòa, Grab đề xuất ban soạn thảo hai phương án: Phương án thứ nhất, giữ nguyên phương pháp tính thuế như hiện hành đối với hoạt động hợp tác kinh doanh của Grab (tức là 3% thuế VAT và 1,5% thuế TNCN trên tổng thu nhập). Phương án hai, áp dụng mức thuế VAT đầu ra 10% đồng thời với quy định cho phép được khấu trừ VAT đầu vào cố định là 7% trên doanh thu.
“Tuy nhiên, cả hai phương án đều không được ban soạn thảo chấp thuận…” - đại diện Grab cho hay.•
Chưa tìm được tiếng nói chung
Trước đó, ngày 9-12, Tổng cục Thuế và Grab có buổi làm việc để giải quyết vướng mắc trong triển khai Nghị định 126/2020. Tuy nhiên, cả hai bên chưa tìm được tiếng nói chung.
Theo đại diện Grab, cuộc làm việc đã không đạt được một kết quả tích cực nào vì Tổng cục Thuế không nhất quán trong việc xác định chủ thể phải chịu thuế VAT.
“Chúng tôi rất bức xúc về yêu cầu của Tổng cục Thuế muốn tăng mức thu thuế đối với doanh thu của đối tác tài xế từ 3% lên 10%. Dù biết rằng các đối tác tài xế không có khả năng khấu trừ thuế vat đầu vào nhưng Tổng cục Thuế không có sự giải thích rõ ràng mà dựa vào những luận điểm rất không nhất quán” - đại diện Grab khẳng định.
Tuy nhiên, trong thông cáo phát đi cùng ngày, Tổng cục Thuế cho rằng Grab chưa chứng minh được lý do tăng giá cước, chiết khấu là do Nghị định 126 mà doanh nghiệp thông tin trên một số báo chí mấy ngày qua.
Theo Tổng cục Thuế, Nghị định 126 quy định nghĩa vụ khai thuế vat đối với hoạt động hợp tác kinh doanh là do doanh nghiệp thực hiện. Doanh nghiệp phải khai thuế VAT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh.
“Đối với Grab là hoạt động kinh doanh vận tải, doanh nghiệp khai thuế vat theo phương pháp khấu trừ thì thuế suất thuế VAT là 10% và doanh nghiệp được khấu trừ thuế VAT đầu vào theo quy định” - Tổng cục Thuế cho hay.